“Tay to” ở Hải Dương mang 200 tỷ đồng tiền mặt sang Hải Phòng buôn đất sau thông tin sáp nhập

Admin

“Sau khi có thông tin sáp nhập, một đại gia mang ngay 200 tỷ đồng tiền mặt sang Hải Phòng đi buôn đất. Trực tiếp, tôi cũng dẫn khoảng 20 người có tiềm lực tài chính ở Hải Dương mua bất động sản ở đảo Vũ Yên”, ông Phạm Đức Toản, CEO EZ Property thông tin.

Là chủ đầu tư và đơn vị phát triển nhiều dự án tại địa bàn Hải Dương, Hải Phòng (2 địa phương dự kiến sẽ "về chung một nhà"), ông Phạm Đức Toản, CEO Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản EZ (EZ Property) nhìn nhận từ trước đến nay, giá đất Hải Phòng luôn thấp hơn Hải Dương.

So sánh cùng một vị trí trung tâm, ông Toản cho biết một căn nhà đất khoảng 80m2 tại Hải Phòng chỉ khoảng 6-7 tỷ đồng, trong khi tại Hải Dương lên tới 10 tỷ đồng. Hay đất tại các huyện của Hải Phòng với vị trí không trung tâm khoảng 30 triệu đồng/m2, còn tại Hải Dương lên tới 50-60 triệu đồng/m2.

"Người Hải Dương tương đối giàu và tâm lý của nhà đầu tư miền Bắc bao giờ cũng 'tích đất hơn tích vàng', làm ra bao nhiêu tiền của là đi mua đất hết. Người Hải Dương đi làm ăn tứ xứ nhưng vẫn quay lại mua đất ở quê hương nên giá đất rất cao", CEO EZ Property chia sẻ.

Trong khi đó, người dân ở Hải Phòng rất giàu nhưng người gốc lại đầu tư và sinh sống ở nhiều khu vực khác như Hà Nội, TP.HCM, nước ngoài (lượng Việt kiều rất đông chủ yếu ở Canada, Úc, Mỹ, Anh). Người Hải Phòng gốc bây giờ không nhiều, đa số là gốc Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên… sinh sống ở đây.

Chính vì vậy, trước thông tin sáp nhập, xuất hiện làn sóng người dân Hải Dương đổ vào Hải Phòng đi mua đất. "Theo một số thông tin tôi có được, ngay trong 2 tuần đầu tiên, người Hải Dương đã rút ra khỏi hệ thống ngân hàng khoảng 2.000 tỷ đồng để đầu tư vào Hải Phòng", ông Toản thông tin.

Vị CEO cho biết giao dịch thị trường bất động sản Hải Phòng thời gian gần đây sôi động. Phân khúc chung cư trước đây bán rất chậm dù dự án nằm ở trung tâm thành phố nhưng từ khi có thông tin sáp nhập, lập tức cháy hàng, giá tăng.

"Sau khi có thông tin sáp nhập, một đại gia mang ngay 200 tỷ đồng tiền mặt sang Hải Phòng đi buôn đất. Trực tiếp, tôi cũng dẫn khoảng 20 người có tiềm lực tài chính ở Hải Dương mua bất động sản ở đảo Vũ Yên", ông Toản cho biết thêm.

Theo CEO EZ Property, việc sáp nhập sẽ có sự chuyển động về tâm lý, thị trường bất động sản sôi động trong một thời gian ngắn rồi sau đó bão hòa. Hải Phòng không phải dân số quá đông mà người mua chủ yếu là một lượng cán bộ, công chức nên sự tăng đột biến về giá sẽ không ổn định mà có thể tăng xong sẽ chững lại hoặc tăng rất chậm.

Đối với một số nhà đầu tư hiện nay có thể chốt lời, còn với những người mới vào cần thận trọng khi đu đỉnh, giá cao quá rất dễ bị mắc kẹt. Theo ông Toản, bản chất nhu cầu về ở thực không thực sự tăng quá nhanh và nhiều, khoảng 40% công chức sẽ mua nhà ở còn lại họ vẫn đi đi lại lại giữa địa phương cũ và mới.

TS. Trần Xuân Lượng, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam (VARS-IRE), nhận định thông tin sáp nhập địa giới hành chính có thể mang đến cơ hội, nhưng cũng đi kèm với nguy cơ thao túng giá đất.

Do đó, nhà đầu tư và người dân cần tỉnh táo, tránh chạy theo tâm lý đám đông, chỉ ra quyết định đầu tư khi có đầy đủ thông tin và tránh sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức để giảm áp lực trả nợ sau này. Đặc biệt, phải kiểm tra pháp lý dự án kỹ lưỡng, tránh mua đất không rõ ràng về quyền sở hữu hoặc vướng tranh chấp.

Ở một diễn biến mới đây, TP Hải Phòng đã đề nghị chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên bố trí 400 căn hộ cho cán bộ Hải Dương thuê sau khi sáp nhập.

Thời hạn đề xuất thuê là 2-3 năm với mục đích để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tỉnh Hải Dương có nơi ở để ổn định công tác tại Trung tâm chính trị - hành chính của thành phố.

Ngoài ra, thành phố cũng đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn bất động sản CRV sớm khởi công các tòa nhà chung cư kết hợp thương mại dịch vụ cao 33 tầng trên các lô đất từ HH1 đến HH4 tại khu vực đường Đỗ Mười kéo dài để ưu tiên cho cán bộ của Hải Dương.