Hiện đang là thời điểm học sinh, sinh viên tựu trường, cùng với đó nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm đang nổi như: Bạch hầu, sởi, tay chân miệng, đậu mùa khỉ và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Trước nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm tăng cao, một số phụ huynh đã không ngần ngại mua và bổ sung nhiều loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhằm tăng sức đề kháng cho con.
Chị Lan (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, hai bạn nhỏ nhà chị năm nay vào lớp 1 và lớp mẫu giáo 4 tuổi. Lo ngại con đến trường dễ lây ốm, nên cách đây hai tuần chị đã đặt mua thuốc tăng sức đề kháng cho con.
"Tôi thấy nhiều mẹ cũng mua thực phẩm bổ sung cho con nên tôi mua gồm tăng đề kháng, ăn ngon, ngủ ngon. Tôi cũng chỉ mong con khỏe để vui đến trường", chị Lan cho hay.
Tương tự, chị Khánh Vân (Hà Đông, Hà Nội) cũng đã rục rịch bổ sung cho con vitamin C, D3 để tăng sức đề kháng. Theo lời chị Vân, con của chị còn nhỏ và hay ốm vặt mặc dù được tiêm phòng đầy đủ. Vậy nên chị đã lựa chọn bổ sung thêm thực phẩm bảo vệ sức khỏe để tăng đề kháng.
Cũng theo quan sát của Người Đưa Tin, trên các fanpage, facebook nhiều người dùng đăng bán các sản phẩm tăng sức đề kháng cho con, thậm chí còn "tung chiêu" khuyến mãi, bên dưới có nhiều bình luận của các phụ huynh xin tư vấn.
Thị trường thực phẩm chức năng với các sản phẩm bảo vệ sức khỏe đang ngày càng phát triển mạnh do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao. Theo ghi nhận, hầu hết những loại thực phẩm chức năng được quảng cáo, giới thiệu chủ yếu giúp trẻ phát triển trí não, tăng trưởng chiều cao, bồi bổ cơ thể, tăng đề kháng...
Trước nhu cầu của người tiêu dùng về mặt hàng này, dưới góc độ dinh dưỡng, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là phải cân đối bữa ăn hợp lý hàng ngày. Đó là ngày ba bữa, bữa phụ cho các em ở trường và mỗi bữa ăn phải đầy đủ và cân đối theo hướng dẫn.
Cùng với đó, cần phải đặc biệt lưu ý lựa chọn thực phẩm, bởi thời gian qua chúng ta đã ghi nhận rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm.
Cũng theo chuyên gia dinh dưỡng, việc cho trẻ ăn uống đủ các nhóm chất, đa dạng thực phẩm và tập thể dục thường xuyên, ngủ nghỉ ngơi đúng giờ là điều kiện tiên quyết giúp cho con có sức khỏe tốt và tăng đề kháng.
Trường hợp trẻ mệt mỏi, chán ăn dài ngày thì cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
"Khi đó, việc tư vấn mới phù hợp để xem trẻ cần hoặc nên bổ sung loại chất gì từ chuyên gia y tế, bác sĩ. Đặc biệt tránh việc bổ sung thực phẩm bảo vệ sức khỏe một cách bừa bãi sẽ không tốt", PGS.TS Trương Tuyết Mai nói.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc dùng thực phẩm bảo vệ sức khỏe bổ sung quá liều cũng không tốt, đôi khi bổ sung không đúng loại mà trẻ cần thì trở nên gây hại.
Trước đó, để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa tựu trường, Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo một số nội dung như chỉ đạo chính quyền các cấp và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn;
Nhất là các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong mùa tựu trường; chỉ đạo tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn;
Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế;
Thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ/ Pasteur chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh;
Thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch...
Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phối hợp chỉ đạo phòng, chống dịch trong mùa tựu trường.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nội tiết, liều dùng tối đa đối với vitamin D ở trẻ như sau:
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi là 1.000UI/ngày.
- Trẻ 12 tháng tuổi, liều là 1.500UI/ngày.
- Trẻ từ 1 tới 3 tuổi là 2.500UI/ngày.
- Trẻ từ 4-8 tuổi là 3.000UI/ngày.
- Trẻ trên 9 tuổi là 4.000UI/ngày.
Ngoài ra, có những trường hợp liều ngộ độc vitamin D có thể cao hoặc thấp hơn các mức nêu trên tùy thuộc vào thể trạng của từng trẻ.