Nhiều địa phương thông báo cho học sinh học 5 ngày/tuần. Ảnh minh họa: Việt Hà. |
"Nếu trường em cũng cho nghỉ học ngày thứ bảy thì thích quá. Em sẽ có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, tự học hoặc đi đánh cầu lông".
Đó là chia sẻ của Anh Thư (học sinh lớp 10 tại Hà Nội) sau khi một số địa phương như Lai Châu, Lào Cai quyết định cho học sinh các cấp học 5 ngày/tuần, nghỉ thứ bảy và chủ nhật.
Học sinh, phụ huynh mong mỏi được học 5 ngày/tuần
Trao đổi với Tri Thức - Znews, Anh Thư cho hay hiện tại, thời gian học chính khóa của em là các buổi chiều từ thứ hai đến thứ bảy. Ngoài ra, em có thêm 2 buổi sáng học môn Thể dục, Giáo dục quốc phòng và Ngoại ngữ 2.
Trước đó, ở cấp THCS, nữ sinh cũng học chính khóa đến hết sáng thứ bảy. Thư nói rằng với việc học 6 ngày/tuần, không ít lần, em phải từ chối việc đi chơi cuối tuần cùng gia đình. Ngoài ra, em cũng có ít thời gian hơn cho việc tự học, chơi thể thao và các hoạt động khác.
"Lên cấp 3, số lượng bài vở tăng, các buổi chiều được nghỉ nhưng em cũng đăng ký các lớp học thêm, vì vậy, em chỉ được nghỉ trọn vẹn mỗi chủ nhật. Thời gian nghỉ ít khiến em khá mệt, nhiều khi, sáng thứ hai, tinh thần em rất uể oải", Thư chia sẻ.
Chị Thu Hằng (phụ huynh có con học bậc THCS ở Hà Nội) cũng rất mong mỏi việc con được nghỉ thứ bảy, tức chỉ học 5 ngày/tuần.
Chị Hằng chia sẻ hiện tại, trong khi vợ chồng chị cũng như rất nhiều phụ huynh khác được nghỉ làm vào thứ bảy và chủ nhật, con chị lại vẫn phải đi học, cả tuần chỉ được nghỉ một ngày. Với tình hình nhiều gia đình cho con học thêm bên ngoài, trẻ coi như không có ngày nghỉ nào trong tuần.
Do đó, chị hy vọng nhà trường sắp xếp để trẻ có thể học 5 ngày/tuần và nghỉ ngơi hoàn toàn vào cuối tuần. Thời gian đó, gia đình có thể lựa chọn cho con học thêm, tham gia hoạt động ngoại khóa hoặc vui chơi, nghỉ ngơi hoàn toàn.
“Đó là lựa chọn của phụ huynh. Nếu con được nghỉ thứ bảy, tôi có thể cho con đi chơi, cùng mẹ dọn nhà hay chỉ cần nằm nghỉ, chơi game, miễn là con thấy thoải mái. Còn trường hợp gia đình nào bố mẹ bận đi làm có thể đề xuất nhà trường mở lớp phụ đạo để con vẫn đến lớp vào thứ bảy”, chị Hằng nói.
Việc mong con chỉ học 5 buổi/tuần không chỉ là mong muốn của trẻ và bố mẹ mà còn xuất phát từ thực tế. Nữ phụ huynh chia sẻ hiện tại, mỗi tuần, con học chính khóa từ chiều thứ hai đến chiều thứ bảy. Các buổi sáng, con trống lịch học chính, thay vào đó là các buổi học phụ đạo mà phụ huynh đề xuất trường mở thêm, có thể học tại trường hoặc học ở trung tâm bên ngoài.
Chị Thu Hằng nói thêm việc có lớp học phụ đạo là hợp lý khi trẻ được học thêm, có thể ở bán trú tại trường, tiện cho phụ huynh sắp xếp công việc. Hơn nữa, nó tùy thuộc vào nhu cầu, phụ huynh có thể chọn đăng ký cho con học hoặc không.
Nhưng chị thiết nghĩ thay vì cho trẻ học phụ đạo, trường có thể bố trí lại, đẩy lịch học chính khóa ở thứ bảy sang một buổi sáng khác trong tuần. Như vậy, trẻ có thể đến trường 5 ngày/tuần mà vẫn đảm bảo chương trình học.
Chị tin tưởng vì lợi ích của trẻ, trường và giáo viên hoàn toàn có thể sắp xếp để không cần dạy học vào ngày thứ bảy vẫn đảm bảo tiến độ chương trình.
Chủ trương dạy học 5 ngày/tuần giúp học sinh giảm áp lực, có thời gian vui chơi, giải trí vào cuối tuần. Ảnh minh họa: Thế Bằng. |
Giáo viên cũng ủng hộ
Cô N.H. (giáo viên một trường THCS tại Hà Nội) cũng bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương học 5 ngày/tuần. Theo cô H., hiện tại, trường cô đang công tác cho học sinh học chính khóa các buổi sáng từ thứ hai đến thứ bảy. Buổi chiều, các em học phụ đạo.
Là giáo viên chủ nhiệm, đồng thời là giáo viên môn Công nghệ và Khoa học Tự nhiên giảng dạy ở cả 4 khối lớp, cô H. chia sẻ bản thân khá vất vả khi đi dạy 6 ngày/tuần, "chỉ trống một số tiết, rất ít thời gian nghỉ ngơi".
Đối với học sinh, ngoài học ở trường, nhiều gia đình còn đăng ký cho các em đi học thêm. Điều này làm thu hẹp thời gian nghỉ ngơi hoặc tự học, tự rèn luyện, tham gia hoạt động trải nghiệm của các em.
Do vậy, cô H. đề xuất nhà trường có thể sắp xếp các tiết học của ngày thứ bảy vào tiết thứ 5 các ngày còn lại bởi hiện tại, trường đang duy trì dạy và học 4 tiết mỗi buổi.
"Không chỉ các em, nếu nghỉ thứ bảy, thầy cô cũng có nhiều thời gian hơn cho gia đình. Ngoài ra, tôi cũng có thể dành thời gian đó để rèn chuyên môn, chấm bài, thiết kế bài dạy, đầu tư hơn cho bài giảng, giúp các em hứng thú hơn", cô H. nhận định.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho biết nhà trường duy trì việc học 5 ngày/tuần từ năm 2018 đối với khối 6 và 7. Đến năm học 2023-2024, chủ trương này áp dụng cả 4 khối.
Để thực hiện, trường đã lấy ý kiến của phụ huynh và nhận sự ủng hộ 100%. Khi học 5 ngày/tuần, các con sẽ học 2 buổi/ngày và nhà trường tổ chức bán trú. Việc nghỉ sáng thứ bảy không ảnh hưởng đến chương trình, đến chất lượng học tập vì các trường sẽ sắp xếp đầy đủ hoạt động dạy học và các hoạt động trải nghiệm bộ môn.
Sáng thứ bảy, trường sẽ tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ và bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh yếu kém.
"Sáng thứ bảy, cha mẹ cũng thuận tiện đồng hành cùng con trong các hoạt động này", bà Lý cho hay.
Vẫn còn băn khoăn
Mới đây, UBND tỉnh Lai Châu thông báo cho hơn 150.000 học sinh các cấp đến trường từ thứ hai đến sáu, nghỉ thứ bảy và chủ nhật.
Các trường THCS ở thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) cũng áp dụng thí điểm lịch học 5 ngày mỗi tuần, nghỉ thứ bảy và chủ nhật từ năm học này. Trước đó, tỉnh Lào Cai cũng hoàn tất triển khai chính sách học 5 ngày/tuần trên quy mô toàn tỉnh với hơn 200.000 học sinh từ tháng 3 năm nay.
Các địa phương đều đặt ra yêu cầu việc triển khai dạy và học 5 ngày/tuần phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT, hoàn thành nội dung, chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo kế hoạch năm học. Tuy nhiên, vẫn có một số băn khoăn về chủ trương mới này.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu nghỉ ngày thứ bảy, phụ huynh lại có thêm thời gian để cho trẻ đi học thêm. Cô H.N. nhận định vấn đề này là có. Tuy nhiên thực tế, nếu đi học cả thứ bảy, cha mẹ vẫn cho con đi học thêm bình thường.
"Có khi học xong thứ bảy ở trường, các con vẫn phải đi học thêm vài ca nữa, rất ít thời gian nghỉ ngơi. Do vậy, vấn đề vẫn nằm ở phụ huynh. Hãy để việc nghỉ học phải thực chất, tránh việc nghỉ học để cho các con học thêm", cô H. nhận định.
Bà Lý nhận định để nghỉ học thứ bảy, các trường phải tính toán việc xây dựng chương trình học chính khóa, chương trình buổi 2 hiệu quả.
Hiện tại, theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, số tiết học trung bình một tuần với học sinh tiểu học là 25-30, THCS và THPT 29-29,5, chưa gồm các môn tự chọn.
Bộ có hướng dẫn nếu học 2 buổi/ngày, các trường không được dạy quá 4 tiết buổi sáng với bậc THCS, 5 tiết với THPT. Buổi chiều tối đa 3 tiết và một tuần không quá 6 ngày học, áp dụng cả hai cấp. Số tiết tối đa một tuần của học sinh THCS là 42, THPT là 48.
"Ở buổi 2, nhà trường cũng nên xây dựng xen kẽ các hoạt động văn hóa, rèn luyện để giảm tại áp lực cho học trò", bà Lý nói.
Bên cạnh đó, bà Lý cho hay trường cũng phải đảm bảo đủ cơ sở vật chất, nhân sự, công tác bán trú... để đảm bảo học sinh học 2 buổi/ngày.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.