Sốt xuất huyết gia tăng tại Hà Nội, 4 ổ dịch mới bùng phát trong một tuần

Admin

Sốt xuất huyết tại Hà Nội đang có dấu hiệu gia tăng trở lại, chỉ trong một tuần đã ghi nhận 4 ổ dịch mới. Nguy cơ bùng phát diện rộng nếu không kiểm soát kịp thời.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ 4 - 11/7, thành phố ghi nhận 34 ca mắc sốt xuất huyết tại 16 xã, phường  tăng 13 ca so với tuần trước. 

Dù chưa có ca tử vong, nhưng tình hình được nhận định có xu hướng gia tăng khi đã xuất hiện 4 ổ dịch mới, nâng tổng số ổ dịch cộng dồn trong năm lên 7, trong đó 4 ổ đang hoạt động. Đáng chú ý, chỉ số côn trùng tại các điểm này đều ở ngưỡng nguy cơ cao.

Tính từ đầu năm 2025 đến nay, Hà Nội có 365 ca mắc sốt xuất huyết, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2024 (1.166 ca). Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi bước vào cao điểm mùa dịch.

Hà Nội ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết mới tại Tây Hồ, nguy cơ lan rộng

Tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận 54 ca mắc tay chân miệng tại 36 xã, phường; tổng số mắc từ đầu năm đã lên tới 3.100 ca, gần gấp đôi cùng kỳ 2024 (1.656 ca). 

Dù không có ổ dịch mới, nhưng mức gia tăng đột biến cho thấy nguy cơ lan rộng trong cộng đồng nếu không kiểm soát tốt.

Cùng thời gian, số ca mắc sởi tiếp tục tăng, với 29 ca mới tại 25 xã, phường. 

Tổng cộng từ đầu năm, thành phố đã ghi nhận 4.254 ca mắc sởi, 1 ca tử vong, tăng vọt so với chỉ 2 ca cùng kỳ năm ngoái. Bệnh nhân phân bố ở nhiều độ tuổi, trong đó nhóm trẻ dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ đáng kể, cho thấy lỗ hổng miễn dịch đang tồn tại trong cộng đồng.

Sốt xuất huyết gia tăng tại Hà Nội, 4 ổ dịch mới bùng phát trong một tuần- Ảnh 1.

Người dân cần chủ động vệ sinh môi trường để phòng chống dịch sốt xuất huyết (Ảnh: VGP).

Ngoài ra, Hà Nội ghi nhận 1 ca viêm não Nhật Bản B ở trẻ 4 tháng tuổi (quận Hoàng Mai), chưa đủ tuổi tiêm chủng; 2 ca ho gà; 1 ca uốn ván người lớn và 31 ca Covid-19, giảm gần nửa so với tuần trước. Một số bệnh khác như não mô cầu, liên cầu lợn không ghi nhận ca mắc.

Trước diễn biến phức tạp, CDC Hà Nội đang tăng cường giám sát dịch tễ tại các ổ dịch đang hoạt động, đặc biệt ở Tây Hồ, Phú Xuyên và Hát Môn.

Triển khai giám sát tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng thông qua hệ thống phần mềm Thông tư 54/2015/TT-BYT. Đồng thời đẩy mạnh kiểm dịch tại sân bay quốc tế Nội Bài nhằm sớm phát hiện và xử lý các ca bệnh xâm nhập.

Song song đó, ngành Y tế Hà Nội phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo người dân chủ động phòng dịch, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh.

Hướng dẫn vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh

1. Diệt loăng quăng, bọ gậy:

Thả cá vào các dụng cụ chứa nước (bể, chum, vại…) để ăn loăng quăng. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Thay rửa bình hoa, đổ bỏ nước ở đĩa lót chậu cây cảnh mỗi tuần 1–2 lần. Thu gom và tiêu hủy các vật dụng phế thải như chai, lọ, vỏ lon, lốp xe cũ, gáo dừa... có thể đọng nước mưa.

2. Loại bỏ nơi muỗi sinh sản:

Lật úp, che kín các dụng cụ chứa nước không dùng đến. Vệ sinh, cọ rửa các dụng cụ chứa nước hàng tuần. Dọn sạch máng nước, khơi thông cống rãnh, không để nước ứ đọng quanh nhà.

3. Ngăn muỗi đốt – Bảo vệ bản thân và cộng đồng:

Mặc quần áo dài tay, ngủ màn kể cả ban ngày. Dùng kem xua muỗi, vợt điện, nhang muỗi nếu cần. Lắp lưới chống muỗi tại cửa sổ, cửa ra vào.