Với những sinh viên nước ngoài tại Việt Nam, Tết Nguyên đán là một trải nghiệm mới mẻ.
Xúng xính mặc áo dài, học gói bánh chưng, xin chữ ông đồ, chơi các trò chơi dân gian... là những trải nghiệm thú vị của các sinh viên quốc tế tại Đại học Ngoại thương (Hà Nội) trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Lần đầu gói bánh chưng
Louis Wald (20 tuổi, đến từ Đức)
Cách đây một tuần, sau khi đón năm mới ở Đức, Louis Wald mới đặt chân đến Việt Nam. Nam sinh háo hức khi biết mình lại được đón năm mới 2025 một lần nữa.
Mấy ngày nay, đường phố Việt Nam bắt đầu nhộn nhịp, đông đúc cùng với cờ, hoa trang trí. Wald cảm nhận một không khí rất khác so với 2 đất nước cậu sinh ra và lớn lên là Pháp và Đức.
Sáng 14/1, Wald diện áo dài cách tân màu xanh, cùng các sinh viên khác tham gia chương trình “Tết sum vầy - Xuân bình an" do Đại học Ngoại thương tổ chức.
Với cây đào, cây quất, mô hình nhà ngói năm gian, cùng các gian hàng cho chữ, xin quẻ, vẽ tranh đông hồ..., nam sinh dần mường tượng ra ngày Tết cổ truyền của người Việt như thế nào.
Louis Wald được tự tay gói bánh chưng. Ảnh: Ngọc Bích. |
Wald được trải nghiệm gói bánh chưng cùng các cô chú người Việt. Loay hoay một lúc, nam sinh đã biết xếp lá, đổ gạo, đặt thịt, đỗ vào giữa và gói sao cho không bị hở, buộc lạt sao cho khéo, không bị tuột.
Dù chiếc bánh chưa vuông đúc, Wald vẫn rất tự hào về thành quả của mình. Nếu được tập luyện thêm, nam sinh tin mình sẽ thành thạo.
"Mình rất thích các hoạt động trải nghiệm này, mong là sẽ được khám phá thêm. Với kỳ nghỉ dài ngày, mình dự định sẽ đi du lịch ở một số thành phố khác để khám phá thêm về văn hóa Việt", Wald chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Bất ngờ vì đi được cà kheo
Jakob Christoph Winkler (22 tuổi, đến từ Đức)
Tương tự Louis Wald, Jakob Christoph Winkler cũng mới đến Việt Nam. Thấy các bạn sinh viên Việt đi trên chiếc cà kheo cao tới 4 m, nam sinh rất tò mò và muốn thử.
Winkler hồi hộp khi đặt chân lên then ngang, song rất bất ngờ, ngay trong lần đầu, Winkler đã giữ được thăng bằng trên không, phối hợp nhịp nhàng tay chân và đi được một đoạn đường khá dài. Nam sinh nói cảm giác "rất nhiệm màu, mới lạ", mong muốn được tìm hiểu thêm về ý nghĩa của trò chơi dân gian này.
Winkler nói cảm giác "rất nhiệm màu, mới lạ" khi lần đầu đi cà kheo. Ảnh: Ngọc Bích. |
Bên cạnh đi cà kheo, Winkler cũng được tham gia gói bánh chưng. Nam sinh đánh giá công đoạn khó nhất là làm sao để bánh chưng vuông vắn. Vừa gói bánh, nam sinh vừa được nghe về sự tích, ý nghĩa của bánh chưng tượng trưng cho đất. Loại bánh truyền thống này nhấn mạnh tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn hoá lúa nước.
"Mình cảm thấy đất nước Việt Nam rất coi trọng văn hóa, tôn trọng những giá trị mà thiên nhiên ban tặng", Winkler.
Bên cạnh đó, nam sinh cũng rất bất ngờ về cách nấu bánh chưng khi hàng chục chiếc được xếp trong nồi lớn và luộc trên bếp củi tới hơn 10 tiếng. Tự tay đặt chiếc bánh do mình gói vào nồi, Winkler háo hức chờ đợi ngày mai sẽ được thử thành phẩm.
"Rất khác với Đức và Pháp. Ở quê hương mình, đón năm mới chỉ đơn giản là đợi qua giao thừa. Trong khi đó Việt Nam có rất nhiều tập tục, cả nhà quây quần bên nhau", Winkler chia sẻ.
Bày mâm ngũ quả
Nathan Daniel Figueroa (20 tuổi, đến từ Mỹ)
Nathan Daniel Figueroa cũng đến Việt Nam cách đây 2 tuần. Ăn Tết tại Việt Nam là một trải nghiệm hoàn toàn mới với nam sinh.
Từ sáng sớm, Figueroa đã có mặt ở sân trường để tham gia phần thi bày mâm ngũ quả "Tết ngọt - Tết thơm". Nam sinh kể ý tưởng trình bày mâm ngũ quả được lấy cảm hứng từ chuyến thăm di tích Nhà tù Hỏa Lò, được nghe những câu chuyện về văn hóa, lịch sử của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nam sinh cũng lên mạng tra cứu và nhờ các bạn Việt Nam giới thiệu về văn hóa này. Figueroa khá bất ngờ khi mỗi loại quả lại có một ý nghĩa khác nhau trong ngày Tết và sẽ được dâng lên bàn thờ để thờ cúng tổ tiên.
Figueroa thuyết trình về mâm ngũ quả của nhóm. Ảnh: Ngọc Bích. |
Tùy vùng miền mà mỗi loại quả được chọn sẽ tượng trưng cho những điều tốt đẹp riêng. Mâm ngũ quả của nhóm Figueroa có dưa hấu, táo đỏ, chuối, bưởi, phật thủ, hoa hồng, hoa cúc, cùng quả cau, lá trầu, thể hiện sự tài lộc, may mắn, sung túc, đủ đầy...
Chỉ với 2 phút thuyết trình, Figueroa đã gây ấn tượng và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của các bạn sinh viên và thầy cô.
"Tết ở Việt Nam thường gắn liền với những ý nghĩa lịch sử, truyền thống của người Việt. Còn năm mới ở Mỹ giống như một sự ăn mừng, trò chuyện trong những khoảnh khắc chuyển giao, mang ý nghĩa vui chơi, không có nhiều ý nghĩa lịch sử, truyền thống", Figueroa chia sẻ.
Tết Nguyên đán năm nay, nam sinh dự định sẽ ăn Tết cùng một số sinh viên người Việt. Sau đó, khi bố mẹ sang thăm, Figueroa sẽ cùng cả gia đình đến TP.HCM để du lịch.
Yêu thích áo dài Việt Nam
Hortense (20 tuổi, đến từ Pháp)
Hortense đã đến Việt Nam được 6 tháng. Khi không khí Tết ngày một đến gần, nữ sinh đã hỏi các bạn cùng lớp để tìm hiểu về Tết cổ truyền của người Việt. Những ngày này, các gia đình sẽ tất bật mua sắm, cùng nhau dọn dẹp, trang trí nhà cửa và chuẩn bị đồ ăn. Bước sang năm mới, cả gia đình sẽ tụ họp, có những bữa cơm sum vầy gia đình. Mọi thứ thật lạ lẫm.
Đây là lần thứ hai Hortense (hàng dưới, ngoài cùng bên phải) được mặc áo dài Việt Nam. Ảnh: Ngọc Bích. |
Cách đây mấy ngày, khi nghe tin trường sẽ tổ chức sự kiện Tết cho sinh viên trải nghiệm, Hortense rất háo hức tham gia vì muốn tìm hiểu thêm về văn hóa cổ truyền của Việt Nam.
Trải nghiệm tại “Tết sum vầy - Xuân bình an" là lần thứ hai Hortense được mặc áo dài. Không những thế, nữ sinh còn được xem trình diễn áo dài và trang phục truyền thống của người Mông qua các tiết mục văn nghệ.
"Cảm giác mặc áo dài rất đẹp và thoải mái, mình rất thích, không có điểm chê. Mình hy vọng có nhiều dịp khác để được mặc thêm những kiểu dáng áo dài khác nhau", Hortense bày tỏ.
Sát Tết, nữ sinh dự định đi một vòng phố phường Hà Nội để ngắm hoa, thưởng thức không khí ngày lễ. Những ngày còn lại, Hortense sẽ ở lại ký túc xá để ôn bài cho kỳ thi sắp tới tại Pháp.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.