Chủ tịch tập đoàn FPT: 'Từ nay, thế giới sẽ cần Việt Nam vì chúng ta có thể vươn lên số một ở lĩnh vực AI, bán dẫn - những công nghệ lõi, mọi quốc gia đều cần, đó là tương lai của Việt Nam'

Admin

Thông qua Nghị quyết 57, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình tin rằng, Việt Nam có thể vươn lên ở lĩnh vực trí nhân tạo, bán dẫn, những công nghệ lõi mà mọi quốc gia đều cần.

Sáng 13/1, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá và phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ điểm cầu Trung ương từ điểm cầu Trung ương ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội; kết hợp trực tuyến đến 15.345 điểm cầu, với 978.532 đại biểu tham dự. Trong khuôn khổ sự kiện, Tập đoàn FPT giới thiệu 1 số hệ thống phục vụ chuyển đổi số quốc gia tại triển lãm Đổi mới sáng tạo về Khoa học Dữ liệu phục vụ Chuyển đổi số quốc gia.

Trong đó, Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024, nhấn mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới.

Gọi Nghị quyết 57 là nghị quyết trụ cột cho kỷ nguyên vươn mình của cả dân tộc, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT khẳng định mong muốn được phụng sự đất nước thông qua những lĩnh vực công nghệ quan trọng nhất mà nghị quyết đề cập.

Là Tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực công nghệ, FPT sẽ tích cực thực hiện Nghị quyết này bằng các cam kết:

Một là, tận dụng dữ liệu của Chính phủ để phục vụ người dân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Lao động, Thuế, Ngân hàng và bảo mật.

Đi kèm với đó là cam kết FPT sẽ đóng góp và chia sẻ dữ liệu của mình cho Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Cam kết thứ ba là tích cực tham gia vào hoạt động đào tạo nguồn lực số, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ phục vụ chuyển đổi số ở các cấp: phổ thông, đào tạo nghề, đại học, sau đại học, đặc biệt là hoàn thành mục tiêu đào tạo 10.000 kỹ sư bán dẫn trong tương lai.

Cam kết thứ tư là thúc đẩy ngoại giao công nghệ, đồng hành cùng Chính phủ thu hút đầu tư bán dẫn vào Việt Nam, liên kết xuyên biên giới, đa quốc gia. Đưa lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, dịch vụ chuyển đổi số của Việt Nam ra thế giới.

Một cam kết khác là xây dựng các trung tâm dữ liệu quy mô lớn, trên 50MW, tại Việt Nam, thông qua liên doanh với các doanh nghiệp lớn trong khu vực và thế giới.

Cam kết thứ sáu là chuyển đổi số toàn quốc - triển khai chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia cho các bộ, ngành, địa phương. 

Cam kết thứ bảy là xây dựng các thành phố thông minh, FPT sẽ tham gia triển khai ít nhất ba thành phố thông minh đạt chuẩn quốc tế.

Cuối cùng, ông Bình cam kết giúp nước nhà làm chủ các công nghệ lõi trong tương lai như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, an ninh mạng, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn, công nghệ lượng tử… thông qua việc đầu tư, nghiên cứu, phát triển, mua bán và sáp nhập các công nghệ mới trên thế giới.

" Trong mấy chụp năm qua, Việt Nam đã đi ra thế giới về phần mềm, chúng ta cần thế giới. Từ nay, vài thập kỷ tới, thế giới sẽ cần Việt Nam vì chúng ta có thể vươn lên số một ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, những công nghệ lõi mà mọi quốc gia đều cần, đó là tương lai của Việt Nam ", ông Bình nhấn mạnh.

Chủ tịch tập đoàn FPT: 'Từ nay, thế giới sẽ cần Việt Nam vì chúng ta có thể vươn lên số một ở lĩnh vực AI, bán dẫn - những công nghệ lõi, mọi quốc gia đều cần, đó là tương lai của Việt Nam'- Ảnh 1.

Tổng bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng các đại biểu thăm quan gian hàng của Tập đoàn FPT. Ảnh: Thống Nhất.

Chia sẻ của người đứng đầu FPT cũng đi kèm với dẫn chứng, là hai sản phẩm số tiêu biểu gắn liền với công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Ông Bình cho biết, FPT đã phát triển hệ thống vé tàu bằng căn cước công dân triển khai cho tuyến Metro Bến Thành, TP.HCM. Lần đầu tiên, người dân có thể dùng căn cước quét trực tiếp trên hệ thống soát vé ra vào, mà không cần phải xếp hàng hay mua vé cứng.

Hệ thống có các hình thức soát vé khác như quét mã QR, quét bằng thẻ ngân hàng, thẻ VISA, các ví điện tử. Thành tựu này có được là nhờ đề án D06, các công nghệ về thanh toán không tiếp xúc, không tiền mặt tối ưu nhất trên thế giới. Người trên 60 tuổi, người có công cách mạng, các đối tượng ưu đãi đặc biệt có thể sử dụng thuận tiện vì dữ liệu đã ghi nhận.

Bên cạnh đó, thông qua hệ thống, Chính phủ, cơ quan Nhà nước có được các báo cáo tức thời ngay sau khi người dân quét CCCD, mã QR, hay thẻ ngân hàng qua. Hệ thống sẽ thống kế các chỉ số như: lưu lượng người tham gia giao thông, đối tượng tham gia, hình thức vé.... Từ đó, hệ thống góp phần minh bạch hóa số liệu sản lượng của ngành giao thông công cộng, hỗ trợ ra quyết định, dữ liệu có thể được làm giàu liên tục.

Một dẫn chứng khác là hệ thống dữ liệu lớn liên quan đến lịch sử đơn hàng ở FPT Long Châu và những phân tích thông minh với sự góp sức của trí tuệ nhân tạo.

Ông Bình gọi đây là hệ thống giúp "Nhà nước lo, dân khoẻ", bởi từ ngày 1/1/2025, công dân Việt Nam đã có thể mua thuốc trực tuyến trên VneID và ngược lại, có thể dùng VneID đăng nhập mua thuốc trên ứng dụng Long Châu.

Với việc liên thông dữ liệu thông tin người dân mua thuốc, FPT giúp cơ quan quản lý tra cứu thông tin về các bệnh phổ biến và các dược chất liên quan theo từng địa phương, tỉnh thành. Từ đó, cơ quan quản lý có thể hoạch định kế hoạch dự phòng, phân bổ nguồn lực y tế liên quan, đặc biệt trong các tình huống thiên tai, địch họa...

Cùng với đó, FPT đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm góp phần thay đổi nhận thức về chuyển đổi số của hàng chục nghìn nhà lãnh đạo, cán bộ chủ chốt, thanh niên tại các tổ chức và các tỉnh thành.