Sập bẫy rút tiền online thẻ tín dụng

Admin

Chủ thẻ tín dụng cần gấp tiền mặt tìm đến dịch vụ rút tiền online tại nhà với chi phí thấp sẽ sập bẫy đối tượng lừa đảo

Phản ánh đến Báo Người Lao Động, ông Dương Hoàng Sơn (phường Thới An, quận 12, TP HCM) - chủ thẻ tín dụng do Ngân hàng (NH) TMCP Hàng Hải Việt Nam phát hành, cho biết: "Do muốn giảm thiểu chi phí nên tôi đã tìm đến dịch vụ rút tiền online, kết quả là kẻ xấu đã cài bẫy rút sạch hạn mức trong thẻ tín dụng".

Phí giao dịch chỉ 0,7%?

Theo ông Sơn, giữa tháng 7-2023, khi tìm kiếm dịch vụ rút tiền trên mạng, ông truy cập vào trang web hotrotindungonline.com tiếp nhận thông tin chào mời rút tiền từ thẻ tín dụng, như chủ thẻ được hỗ trợ rút 100% hạn mức thẻ, phí thấp nhất thị trường chỉ 0,7%, rẻ gấp 4-5 lần so với rút tiền tại máy ATM hoặc tại trụ sở NH phát hành thẻ…

Cứ nghĩ đây là dịch vụ đàng hoàng, ông Sơn gọi điện đến số hotline 03264980xx được đăng trên website. Lập tức, một người tên Phúc, tự xưng là nhân viên hỗ trợ rút thẻ tín dụng tại địa chỉ 99 Đỗ Xuân Hợp, TP Thủ Đức, TP HCM và yêu cầu ông kết nối Zalo để được hướng dẫn.

Thông qua Zalo, ông Sơn nhận được đường link có chức năng giao dịch như máy cà thẻ POS. Khi ông Sơn tỏ ra không tin tưởng, Phúc giải thích đây là link để chủ thẻ tín dụng nhập thông tin nhằm tạo lập phiếu rút tiền trực tuyến POS.

Sập bẫy rút tiền online thẻ tín dụng - Ảnh 1.

Màn hình trang web rút tiền online do các đối tượng lừa đảo lập ra và các tin nhắn trao đổi giữa phóng viên Báo Người Lao Động và đối tượng lừa đảo. (Ảnh chụp màn hình)

Theo đó, ông Sơn được hướng dẫn nhập số thẻ, số tài khoản NH để nhận tiền được rút ra từ thẻ tín dụng. Tổng cộng, ông đã thao tác 4 lần với tổng số tiền 30 triệu đồng. Qua 3 lần đầu rút tiền, điện thoại của ông Sơn đều nhận được tin nhắn từ NH TMCP Hàng Hải Việt Nam về số tiền đã bị rút và mã OTP để hoàn tất giao dịch, kèm theo khuyến cáo không cung cấp mã này cho bất cứ ai. Thế nhưng, cả 3 lần tài khoản NH của ông Sơn vẫn không nhận được tiền.

Đến lần thứ 4, ông Sơn tiếp tục nhận được mã OTP và khuyến cáo của NH thì Phúc đề nghị ông cung cấp mã OTP để hoàn tất thủ tục thì tiền mới chuyển về tài khoản được. "Do cần tiền gấp nên tôi đã mất cảnh giác làm theo hướng dẫn của Phúc. Kết quả, người này biến mất và tôi bị lừa 30 triệu đồng. Tôi tìm đến địa chỉ 99 Đỗ Xuân Hợp mà trước đó Phúc tự giới thiệu mới biết đây là một địa chỉ "ma" - ông Sơn kể lại và mong mỏi Báo Người Lao Động cảnh báo sự việc này để người khác cùng cảnh giác.

Tìm hiểu thêm về vụ việc, cuối tuần qua, phóng viên Báo Người Lao Động truy cập website hotrotindungonline.com thì thấy trang này vẫn tồn tại. Thế nhưng, khi chúng tôi gọi số hotline 03264980xx để kết nối Zalo với Phúc thì không thực hiện được. 

Tuy nhiên, khi click vào biểu tượng Zalo nằm trên trang này thì kết nối thành công với VietTech Company (viết tắt là VietTech). Khi chúng tôi nói muốn rút 50 triệu đồng từ thẻ tín dụng, VietTech đề nghị chúng tôi đến 39 Nam Cao, TP Thủ Đức, TP HCM để rút tiền trực tiếp, phí giao dịch là 650.000 đồng, tương đương 1,3% số tiền cần rút.

Biết chúng tôi có nhu cầu rút online, VietTech liền gửi một đường link, khi mở ra là hình ảnh có dòng chữ Giải pháp thanh toán mPOS - máy quẹt thẻ online kèm theo các ô trống để nhập thông tin thẻ. Tiếp đến, VietTech hướng dẫn chúng tôi tạo phiếu rút tiền bằng cách nhập tên chủ tài khoản NH, số tài khoản nhận tiền, tên NH phát hành thẻ, số điện thoại di động, số tiền muốn rút…

Tin rằng sẽ dính lừa đảo nên chúng tôi không thực hiện nhưng vẫn đặt ra một số câu hỏi đối với VietTech: "Thông tin của thẻ tín dụng sẽ ghi ở đâu? VietTech làm việc với NH nào? Cho xin danh tính và số điện thoại di động?". Tuy nhiên, VietTech chỉ trả lời: "Chủ thẻ thực hiện từng bước và sẽ có hướng dẫn tiếp theo", rồi rơi vào im lặng.

NH liên tục cảnh báo

Trao đổi về sự việc trên, ông Nguyễn Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Thẻ HDBank, khẳng định đường link mà VietTech gửi cho phóng viên Báo Người Lao Động là do đối tượng lừa đảo thiết lập để đánh cắp thông tin của chủ tài khoản.

Sau khi chủ thẻ tín dụng nhập một số thông tin cá nhân ban đầu, đối tượng lừa đảo sẽ tiếp tục yêu cầu 2 đến 3 lần nhập số thẻ tín dụng, thời hạn hết hiệu lực của thẻ, mã CVV/CVC để lần lượt rút tiền. Khi chủ thẻ chưa nhận được tiền, chúng thường đưa ra một lý do và yêu cầu thực hiện thêm giao dịch này.

Khi số tiền muốn rút đã lên tới hàng chục triệu đồng, chúng sẽ yêu cầu chủ thẻ nhập mã OTP do NH phát hành thẻ cung cấp. Lúc đó, toàn bộ số tiền muốn rút từ thẻ tín dụng sẽ hoàn tất giao dịch nhưng chủ thẻ vẫn không nhận được tiền. Còn đối tượng lừa đảo thì cắt liên lạc rồi "cao chạy xa bay".

Theo ông Tùng, hiện nay hầu hết website thương mại điện tử đều chấp nhận cho khách hàng sử dụng mã CVV/CVC khi thanh toán online. Chỉ cần chủ thể nhập số thẻ tín dụng, thời hạn hết hiệu lực của thẻ, mã CVV/CVC, mã OTP là có thể thực hiện giao dịch. "Nếu khách hàng cung cấp dãy số thẻ tín dụng, mã CVV/CVC, mã OTP cho người khác biết thì nguy cơ bị mất tiền là rất cao vì các đối tượng có thể sử dụng những thông tin này để thực hiện các giao dịch bất chính" - ông Tùng nói.

Liên quan đến việc lừa đảo thẻ tín dụng, các NH gần đây liên tục cảnh báo nhiều thủ đoạn mới trong đó có việc chào mời rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. Cụ thể, NH TMCP Hàng Hải Việt Nam cảnh báo đối tượng lừa đảo chào mời hỗ trợ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng rồi yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ; đồng thời thông báo khách hàng sẽ nhận được 1 mã hợp đồng gửi đến số điện thoại (thực tế đây là mã OTP của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng). Nếu khách hàng cung cấp mã số này, đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền qua các giao dịch thanh toán mua sắm online.

NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) khẳng định không có cung cấp dịch vụ rút tiền mặt qua bất kỳ kênh giao dịch, đơn vị nào khác ngoài các máy ATM hoặc máy POS tại các chi nhánh, phòng giao dịch. Vì vậy, khách hàng không cung cấp thông tin cá nhân, không làm theo yêu cầu từ các dịch vụ hỗ trợ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. 

Cần nâng cao ý thức phòng ngừa, cảnh giác

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng ngừa, cảnh giác. Khi nhận được các thông tin có dấu hiệu lừa đảo cần lưu lại các bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) để phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao yêu cầu xử lý; đồng thời cung cấp các bằng chứng đã có đến các cơ quan công an đề nghị xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật.