Ung thư thận là ung thư tiết niệu phổ biến thứ hai tại Việt Nam, với 2.240 ca mắc mới và 1.110 trường hợp tử vong năm 2022, theo Tổ chức ghi nhận ung thư thế giới (Globocan). Dù không có chế độ ăn cụ thể nào dành cho bệnh ung thư thận, song thói quen ăn uống tốt giúp tăng cường sức khỏe và hỗ trợ kiểm soát các tác dụng phụ trong quá trình điều trị.
Nên ăn
Chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng cần thiết cho mọi người, nhất là người bệnh ung thư thận. Nhu cầu dinh dưỡng của từng người bệnh có thể phụ thuộc vào phương pháp điều trị và giai đoạn ung thư, nhưng có một số thực phẩm mà người bệnh nào cũng có thể đưa vào bữa ăn.
Rau củ quả: Đây là nguồn cung cấp chất xơ và nhiều loại vitamin, khoáng chất thiết yếu. Rau củ quả cũng có thể giúp giảm mức cholesterol và kiểm soát lượng đường trong máu.
Người bệnh ung thư thận nên đặt mục tiêu ăn 4 khẩu phần trái cây và 5 khẩu phần rau từ nhiều nguồn khác nhau mỗi ngày. Một vài khẩu phần mẫu như một quả táo cỡ vừa, 6 củ cà rốt nhỏ, 16 quả nho, nửa củ khoai tây cỡ vừa, một bát rau lá xanh sống.
Ngũ cốc nguyên hạt: Bánh mì, gạo lứt và mì sợi nguyên cám là nguồn cung cấp năng lượng tốt bởi chúng giàu chất xơ, sắt và vitamin B. Tuy nhiên, một số loại ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì nguyên hạt có thể chứa nhiều phốt pho. Tiêu thụ quá nhiều phốt pho khi thận không hoạt động bình thường có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe. Nguyên nhân là do thận giúp cân bằng lượng phốt pho trong cơ thể.
Phốt pho có trong nhiều loại thực phẩm và một lượng nhỏ khoáng chất này vẫn có thể chấp nhận được ngay cả khi mắc ung thư thận. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ và tuân thủ hướng dẫn về liều lượng phù hợp.
Protein: Đây là một phần cần thiết trong chế độ ăn uống của mọi người, giúp xây dựng và duy trì khối lượng cơ. Tuy nhiên, quá nhiều protein với người bị ung thư thận có thể khiến chất thải tích tụ trong máu, gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn và đau đầu. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về lượng và loại protein tốt nhất để đưa vào chế độ ăn uống.
Nên tránh
Một số loại thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng liên quan đến thận. Nếu không thể tránh những thực phẩm hoặc thói quen này, hãy cố gắng hạn chế lượng tiêu thụ khi có thể.
Thực phẩm nhiều muối: Quá nhiều muối có thể phá vỡ sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể và dẫn đến huyết áp cao. Điều này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng suy giảm chức năng thận.
Thực phẩm chế biến sẵn: Người bệnh nên cố gắng hạn chế thức ăn nhanh, đồ ăn nhẹ mặn như khoai tây chiên, thịt nguội, xúc xích vì chứa nhiều natri. Bất cứ khi nào có thể, hãy sử dụng các loại thảo mộc và gia vị để tạo hương vị thay muối.
Thực phẩm nhiều phốt pho: Đây là khoáng chất tự nhiên cần thiết cho cơ thể theo nhiều cách, bao gồm góp phần tăng cường sức mạnh của xương. Nhưng ở những người bị suy giảm chức năng thận do ung thư, tiêu thụ nhiều phốt pho có thể làm xương yếu đi, gây ra các tác dụng phụ khác. Bác sĩ có thể khuyên người bệnh giảm lượng thực phẩm giàu phốt pho như cacao, đậu, ngũ cốc cám chế, một số sản phẩm từ sữa, hàu.
Uống quá nhiều nước: Thói quen này cũng có thể gây ra vấn đề cho người ung thư thận. Chức năng thận suy giảm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nước tiểu và khiến cơ thể giữ lại quá nhiều chất lỏng. Người bệnh nên theo dõi lượng chất lỏng nạp vào cơ thể để không quá nhiều.
Thực phẩm và đồ uống chế biến sẵn: Nguy cơ ung thư và tử vong có liên quan đến như thực phẩm siêu chế biến. Người bệnh ung thư thận nên tránh bánh mì, đồ ăn nhẹ đóng gói, nước ngọt và đồ uống có đường, thịt nguội, mì ăn liền, bữa ăn sẵn đông lạnh.
Đồ uống có cồn: Bia, rượu có thể tương tác với các loại thuốc điều trị ung thư. Ngoài ra còn có một số bằng chứng cho thấy uống rượu có thể làm tăng nguy cơ tái phát và tử vong do ung thư.
Anh Ngọc (Healthline)