Trả lời:
Phì đại ngực (phì đại tuyến vú) là tình trạng sợi mô tuyến vú phát triển to nhanh và nặng vượt quá mức bình thường (lớn hơn 3% trọng lượng cơ thể), có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên ngực. Ví dụ, một phụ nữ có cân nặng 50 kg, bộ ngực khoảng 1,5 kg được xem là phì đại ngực. Có nhiều nguyên nhân gây phì đại ngực như thay đổi của cơ thể vào các giai đoạn dậy thì, mang thai, tiền mãn kinh, hậu mãn kinh, di truyền...
Phần lớn phì đại ngực lành tính, không làm tăng nguy cơ ung thư nhưng gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần. Người ở tuổi vị thành niên mắc tình trạng này có thể gù lưng, biến đổi đốt sống cổ, lâu dài dẫn đến biến đổi mạch máu cổ gây thiểu năng tuần hoàn não, đau đầu. Người lớn tuổi bị phì đại ngực thường đau vai, đau cột sống, tê nhức tay, khó thở, mất cảm giác ở đầu nhũ hoa, viêm da ở vùng nếp ngực, da ngực rạn và nhão.

Bác sĩ Tấn tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Người bị phì đại ngực thường ngại đi khám nên thường phát hiện ung thư vú ở giai đoạn muộn. Cả ba phương tiện chẩn đoán hình ảnh của tuyến vú như siêu âm, nhũ ảnh, MRI đều khảo sát hạn chế trên ngực phì đại. Người bệnh được siêu âm ở tư thế nằm ngửa, ngực phì đại sẽ tràn sang hai bên, khó thấy hết các mô vú. Đối với nhũ ảnh, khi đặt ngực phì đại lên bàn ép nhũ ảnh, ngực có thể vượt quá giới hạn của bàn ép. Bác sĩ khắc phục bằng cách ép hai lần, sau đó nối hình ảnh với nhau.
Với cộng hưởng từ, người bệnh nằm ở tư thế nằm sấp trên mặt phẳng chuyên dụng có khoét hai lỗ tròn để thả ngực rơi tự do vào trong. Ngực phì đại thường không nằm trọn trong lỗ, đôi khi không đưa được hết ngực vào lỗ. Trường hợp đưa vô được thì ngực cũng không rơi tự do, dồn nén hai bên khiến khảo sát hạn chế. Dù cố gắng điều chỉnh để đảm bảo tầm soát đủ trên các mô vú nhưng tỷ lệ sót tổn thương ở ngực phì đại không nhỏ.
Bạn bị phì đại ngực nên tầm soát thường xuyên để có thể phát hiện sớm tổn thương (nếu có). Phụ nữ từ 40 tuổi nên đến bác sĩ chuyên khoa Ngoại vú - Đầu mặt cổ khám, tầm soát bằng nhũ ảnh định kỳ hàng năm. Phụ nữ có yếu tố nguy cơ cao (gia đình nhiều người mắc bệnh, đột biến gene...) nên tầm soát ở độ tuổi sớm hơn bằng siêu âm tuyến vú.
ThS.BS.CKI Huỳnh Bá Tấn
Khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |