Phát hiện gãy hai xương đùi sau 7 tháng bị tai nạn

Admin

TP HCMBà Lành, 70 tuổi, gãy hai xương đùi sau tai nạn 7 tháng mà không biết, sau đó chân biến dạng, thân dưới bất động.

"Đây là trường hợp khá hy hữu bởi tình trạng gãy xương thường được phát hiện nhanh chóng", ThS.BS Trần Ngọc Chọn, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hôm 6/3.

Hơn 7 tháng trước, bà Lành bị tai nạn giao thông, được chẩn đoán dập tủy và phải phẫu thuật cột sống. Từ đó, bà ngày càng sưng đau, biến dạng hai bên đùi, chỉ có thể xoay trở phần thân trên, bất động thân dưới. Bà không đi khám vì tưởng do bệnh cột sống.

Lần này kết quả chụp X-quang tại bệnh viện Tâm Anh cho thấy người bệnh bị gãy xương đùi mức độ phức tạp, xuất hiện tình trạng huyết khối ở động mạch phổi, đùi và hai cẳng chân. Huyết khối có thể gây tắc nghẽn mạch máu tại chỗ hoặc di chuyển theo dòng máu và làm tắc ở nơi khác, dẫn đến đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.

Phim chụp X-quang cho thấy xương đùi hai bên của bà Lành gãy phức tạp. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Phim chụp X-quang cho thấy xương đùi hai bên của bà Lành gãy phức tạp. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bà Lành được bác sĩ phẫu thuật bằng kỹ thuật nẹp vít kết hợp xương, thực hiện trước ở chân trái. Bác sĩ sắp xếp lại các mảnh xương gãy vào đúng vị trí, sau đó cố định bằng các nẹp vít kim loại được gắn vào bề ngoài của xương.

Bác sĩ Chọn cho biết đây là kỹ thuật không khó nhưng trường hợp bà Lành có nhiều thách thức bởi bà nằm lâu một chỗ, nguy cơ huyết khối làm tắc nghẽn mạch máu trong lúc mổ. Do điều trị chậm trễ, các can xương (xương mềm mới tạo thành xung quanh chỗ gãy xương) đã mọc ra rất nhiều và hai đầu xương gãy chồng lên nhau làm ngắn chân. Vì vậy, việc loại bỏ can xương, nắn chỉnh lại xương có thể mất nhiều thời gian. Bà còn mắc nhiều bệnh nền như tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh mạch vành mạn... "Nếu thời gian phẫu thuật kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mất máu, tổn thương tim mạch, thậm chí ngưng tim, ngưng phổi trong và cả sau mổ", bác sĩ Chọn nói.

Các bác sĩ chấn thương chỉnh hình, tim mạch, gây mê, nội tổng hợp cùng hội chẩn để đảm bảo an toàn cho người bệnh. ThS.BS Nguyễn Thị Thùy Linh, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, cho biết trước khi phẫu thuật, người bệnh cần được điều trị ổn định nội khoa, giải quyết tình trạng thuyên tắc huyết khối. Bác sĩ theo dõi sát sao gây mê cho người bệnh để tránh nguy cơ trụy mạch, ngưng tim trên bàn mổ.

Đối với những trường hợp bệnh lý phức tạp, ca mổ có thể kéo dài đến 4 giờ. Tuy nhiên, ca phẫu thuật của bà Lành kết thúc thành công sau hai giờ. Chân trái của bà giảm đau rõ rệt, có thể tự ngồi dậy và thực hiện một số sinh hoạt. Sau 7 ngày, bà xuất viện. Dự kiến ca phẫu thuật chân phải cho bà vào 3 tháng sau. Bác sĩ tiên lượng điều trị tốt tương tự ca mổ vừa diễn ra.

Bác sĩ Chọn (phải) và êkíp phẫu thuật cho bà Lành. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Chọn (phải) và êkíp phẫu thuật cho bà Lành. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Theo bác sĩ Chọn, đa số các trường hợp gãy xương đùi thường phải phẫu thuật, rất ít khi có thể điều trị bảo tồn thành công. Gãy xương nói chung cũng là tình trạng cần được điều trị càng sớm càng tốt. Người bệnh nghi ngờ gãy xương, cần sớm đến khám tại bệnh viện chuyên khoa để kịp thời điều trị. Gãy xương làm giảm khả năng vận động, nhiều người bệnh có thể phải nằm một chỗ, làm tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm như loét tì đè, huyết khối, nhiễm trùng tiểu, tử vong.

Phi Hồng

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp