Nông dân lo lắng vì chanh dây rớt giá

Admin

Những ngày này, nông dân trồng chanh dây ở Gia Lai đang hoang mang, lo lắng vì chanh dây đột ngột rớt giá từ trên 10.000 đồng/kg chanh xô, xuống chỉ có 4.000 đồng/kg.

Tình cảnh rớt giá, thua lỗ vẫn xảy ra, dù trên địa bàn có nhiều nhà máy chế biến chanh dây đang hoạt động và diện tích loại cây này chưa vượt quá khuyến cáo của ngành nông nghiệp.

Anh Lê Đình Tứ- thôn 4, thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai vừa tập tành làm quen với cây chanh dây năm đầu tiên, với mức đầu tư gần 100 triệu đồng, trên khu vườn 300 cây. Anh Tứ tin rằng mình sản xuất theo hướng hữu cơ, trái chanh có chất lượng sẽ bán được giá cao hơn giá thị trường. Thế nhưng lứa thu hoạch đầu tiên, giá bán cũng chỉ ở mức 4.000 đồng/kg. Cứ đà này, gia đình có thể lỗ nặng. Triển vọng“chanh sạch bán giá cao” như anh từng nghĩ, rất khó trở thành hiện thực.

Nông dân lo lắng vì chanh dây rớt giá - Ảnh 1.

Anh Tứ lo lắng vì nguy cơ lỗ nặng khi đầu tư trồng chanh dây. (Ảnh: Nguyễn Thảo)

“Chanh chín là phải bán thôi. Nếu chín không bán thì nó rụng cũng không được. Mình lựa chanh loại 1 để bán cũng khó, tỷ lệ đạt chanh loại 1 là ít. Vừa rồi, họ tư vấn làm chanh sạch nhưng nghe chừng khó khăn vì phải đi test, test thì phải trả 3 triệu/lần. Họ giữ tiền của mình từ 15 - 20 tấn mới quyết toán, thì biết làm sao, giá được gấp 3 lần chanh xô" - anh Lê Đình Tứ chia sẻ.

Hiện nay, tại tỉnh Gia Lai có vùng nguyên liệu chanh dây trên 5.000 ha được trồng rộng khắp 15/17 huyện, thị xã, thành phố; cùng 3 nhà máy chế biến chanh dây lớn, có tổng công suất lên tới hàng trăm nghìn tấn mỗi năm. Bên cạnh đó, Gia Lai cũng có 20 cơ sở đóng gói và 19 vùng trồng đã được cấp mã số. Nhưng tất cả những nền tảng đó cũng không cản được đà rớt giá của sản phẩm chanh dây.

Nông dân lo lắng vì chanh dây rớt giá - Ảnh 2.

Mặc dù ngành chanh dây ở Gia Lai đã có đủ các điều kiện để phát triển ổn định, nhưng việc rớt giá đang khiến nông dân hoang mang. (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Ông Lê Tấn Hùng- Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đăk Đoa cho biết: hiện 20% trong trong số 700 ha chanh dây ở huyện, đã được liên kết tiêu thụ với một số doanh nghiệp. Nhưng ngay cả những nông dân liên kết vẫn không được hưởng mức giá tốt. Lý do là thời điểm ký kết là lúc giá chanh ở mức cao, nông dân đã chọn phương án bán theo giá thị trường.

“Cam kết giữa doanh nghiệp và hộ dân ngay từ hợp đồng ban đầu, thì làm ra cung ứng giá đó. Hoặc là cam kết thu mua theo giá thị trường, người dân chọn bán theo giá thị trường. Các nhà máy vẫn thu mua nguồn liên kết theo giá thị trường. Thị trường lên thì mua lên, thị trường xuống thì mua xuống” - ông Lê Tấn Hùng nói./.