Nói sao để con chịu nghe lời?

Admin

Trẻ không nghe lời là sự thất vọng phổ biến nhất của phụ huynh. Nhìn thẳng vào con khi giao tiếp, nói ngắn gọn, đảm bảo con hiểu rõ là một số cách cha mẹ có thể áp dụng để trẻ nghe lời hơn.

noi tre nghe loi anh 1

1. Gọi tên và nhìn thẳng vào mắt: Muốn con nghe lời, hãy gọi tên và nhìn thẳng vào mắt con. Điều này có thể gián đoạn công việc bạn đang làm, nhưng cúi xuống ngang tầm mắt trẻ, bạn sẽ thấy con tập trung hơn vào những gì bạn nói. Bằng cách này, trẻ cũng cảm nhận được rằng bạn đang dành toàn bộ sự quan tâm cho con thay vì nói hoặc ra lệnh từ nơi khác. Ảnh: Freepik.

noi tre nghe loi anh 2

2. Không dùng mệnh lệnh tiêu cực: Khi bạn nói "Đừng làm điều này", trẻ sẽ tập trung vào hành động không được làm thay vì hiểu rõ hành động thay thế nên làm. Điều này có thể gây ra sự nhầm lẫn và khiến trẻ khó tuân thủ. Bên cạnh đó, các câu mệnh lệnh tiêu cực thường tạo ra cảm giác bị hạn chế và kiểm soát, khiến trẻ cảm thấy khó chịu và không muốn hợp tác. Thay vì tập trung vào việc cấm đoán, hãy hướng dẫn trẻ về những hành vi tích cực. Điều này không chỉ giúp trẻ hiểu rõ hơn về mong muốn của bạn mà còn giúp trẻ phát triển tính tự giác và trách nhiệm. Ảnh: Freepik.

noi tre nghe loi anh 3

3. Nói "có" nhiều hơn: Mỗi ngày, cha mẹ đều nhận được vô số yêu cầu từ con cái. Theo phản xạ, bạn lập tức đáp lại bằng một cái lắc đầu và một tiếng "không". Lâu dần, điều này khiến trẻ cảm thấy chán nản và ít khi lắng nghe cha mẹ. Ngược lại, khi nói "có" - dù chỉ một phần yêu cầu - cha mẹ đang mở ra cơ hội cho con khám phá, đồng thời khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng và có động lực để hợp tác với bạn. Ví dụ, thay vì nói "Không, con không thể ăn kem", cha mẹ hãy thử "Kem rất ngon! Con muốn ăn vào thứ bảy hay chủ nhật?". Ảnh: Freepik.

noi tre nghe loi anh 4

4. Nói ngắn gọn: Cha mẹ, đặc biệt là các bà mẹ, có xu hướng biến một câu trả lời 5 giây thành một bài diễn thuyết 5 phút. Cha mẹ hãy nhớ rằng khi nói chuyện với con, hãy đi thẳng vào vấn đề và nói những điều cần thiết. Việc dài dòng, lan man chỉ khiến trẻ mất tập trung. Ngoài ra, đừng lặp đi lặp lại cùng một câu nhiều lần. Điều này chỉ khiến trẻ thấy nhàm chán và bỏ qua lời nói của bạn. Ảnh: Freepik.

noi tre nghe loi anh 5

5. Nói "cảm ơn": Thay vì chỉ trích khi trẻ mắc lỗi, hãy tập trung vào những điều tốt đẹp mà trẻ đã làm. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy mình có giá trị và muốn cố gắng hơn nữa. Ngoài ra, khi bạn nói "cảm ơn" trước, bạn đang gửi đi một thông điệp rằng bạn tin tưởng con mình sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Điều này tạo động lực cho trẻ tự giác hoàn thành nhiệm vụ mà không cần sự thúc giục. Ảnh: Freepik.

noi tre nghe loi anh 6

6. Đảm bảo trẻ hiểu rõ: Sau khi bạn đã giao tiếp bằng mắt, nói ngắn gọn và giải thích rõ ràng những gì bạn muốn con làm, hãy bình tĩnh yêu cầu trẻ lặp lại những gì chúng vừa nghe. Bằng cách đảm bảo mọi người đều hiểu nhau, bạn sẽ thấy sự cải thiện trong giao tiếp và hợp tác từ con. Ảnh: Freepik.

noi tre nghe loi anh 7

7. Bình tĩnh quan sát thay vì lập tức mắng mỏ: Thay vì phản ứng ngay bằng cách khiển trách, la mắng, cha mẹ hãy bình tĩnh quan sát và đưa ra nhận xét khách quan khi trẻ chưa hoàn thành yêu cầu của bạn. Bằng cách này, bạn có thể giúp trẻ nhận ra hành vi chưa đúng của mình và có thêm cơ hội để hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: Freepik.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.