NIC - nơi hội tụ trí tuệ, hỗ trợ startup biến ước mơ thành hiện thực, giúp hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo lớn mạnh

Admin

Chị Hạnh Phạm – thành viên thường trực của NIC Silicon Valley (Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Bờ Tây, Hoa Kỳ) chia sẻ, NIC không chỉ là nơi hội tụ các công nghệ, các startup mà còn cả các nhà đầu tư, quỹ đầu tư… Trong tương lai, những gì NIC đang thực hiện sẽ giúp đất nước vươn lên xứng tầm với thế giới. Tất cả những điều đó sẽ là trái ngọt từ những việc chúng ta làm ngày hôm nay.

Chị Hạnh Phạm là người có nhiều kinh nghiệm về phân tích dữ liệu trong nhiều lĩnh vực, điển hình như: mua sắm, tiếp thị, quảng cáo, bán hàng… Chị từng làm tư vấn cho tập đoàn Vingroup và các startup trong lĩnh vực công nghệ. Hiện nay, chị là nhà đồng người sáng lập Y'OUR Personalized Skincare - một startup hoạt động trong lĩnh vực làm đẹp dựa trên dữ liệu và chăm sóc da cá nhân. Startup của chị hoạt động dựa trên khoa học dữ liệu kết hợp với sự cố vấn của các chuyên gia.

Chị đã gắn bó với “Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam (NIC) tại bờ Tây, Hoa Kỳ” kể từ khi thành lập. Với sự nhiệt huyết và đam mê của mình, chị tự tin mình có thể kết nối hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp Việt Nam lớn mạnh hơn nữa.

NIC - nơi hội tụ trí tuệ, hỗ trợ startup biến ước mơ thành hiện thực, giúp hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo lớn mạnh - Ảnh 2.

Chị đã hoạt động trong lĩnh vực ĐMST từ rất lâu, vậy cơ duyên  nào giúp chị biết đến hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp Việt Nam  mà NIC đang phát triển và sẵn sàng cống hiến, đóng góp?

5 năm trước, khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sang Silicon Valley (Thung lũng Silicon) để thăm giới tri thức công nghệ, tôi đã có cơ hội được trao đổi với Bộ trưởng về hoạt động ĐMST và khởi nghiệp. Tôi và mọi người tại Silicon Valley đều chia sẻ chúng tôi  muốn cống hiến, đóng góp cho Việt Nam những không biết làm thế nào.

Từ những chia sẻ đó, chỉ sau hai tháng, một mạng lưới với hơn 100  thành viên từ khắp nơi trên thế giới đã được thành lập (Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam - VIN100), và những thành viên này đã gắn bó với NIC đến ngày hôm nay. Điều này khiến tôi vô cùng khâm phục về mong muốn phát triển cộng đồng ĐMST, khởi nghiệp của nước ta.

Tôi rất vinh hạnh với việc mình là một trong những người đưa ra ý tưởng thành lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam. Có thể nói rằng, việc NIC hình thành giống như đã biến ước mơ thành hiện thực.

Nhờ sự kết nối từ NIC, tôi và các thành viên trong mạng lưới đã liên lạc, chia sẻ và học hỏi được từ nhau rất nhiều thứ. Từ những buổi trao đổi này, chúng tôi biết được các xu hướng khởi nghiệp ở Việt Nam, các startup đang làm gì và họ đang cần gì.

Một kỷ niệm mà tôi nhớ nhất đó là việc chúng tôi ngồi quanh bát phở và nói chuyện về ĐMST và khởi nghiệp. Mọi người thường nghĩ những chuyện này phải diễn ra ở nơi nào đó cao sang nhưng thực chất mọi ý tưởng đều xuất phát từ những điều rất bình dị, đời thường.

So với 5 năm trước, tôi nhận thấy NIC đã thay đổi rất nhiều, nhiều điều khiến tôi thấy kinh ngạc. Mạng lưới của NIC bây giờ đã rộng hơn, có nhiều chức năng và phân khu hơn. Từ đó, không khí ĐMST và khởi nghiệp tại NIC đã nhộn nhịp hơn rất nhiều.

Hơn nữa, trong 5 năm qua, NIC đã tổ chức rất nhiều sự kiện về ĐMST – khởi nghiệp và các sự kiện này không phải do một người làm mà là cả một hệ thống xây dựng nên, NIC giống như  vườn ươm để hỗ trợ cho các startup phát triển.

Là thành viên thường trực của NIC Silicon Valley (Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại bờ Tây, Hoa Kỳ), với kinh nghiệm tư vấn cho Vingroup và các startup, chị tự tin mình có thể hỗ trợ, phát triển cộng đồng ĐMST và khởi nghiệp tại NIC như thế nào?

Tôi luôn sẵn sàng dùng kiến thức, kinh nghiệm của mình để tham gia chia sẻ, tư vấn, hỗ trợ cho cộng đồng ĐMST và khởi nghiệp tại Việt Nam. Tôi đã sống và làm việc tại Silicon Valley - cái nôi lớn nhất về công nghệ và khởi nghiệp của thế giới hiện nay nên tôi tự tin mình có thể trở thành cánh tay nối dài của NIC.

Theo quan điểm của tôi, Silicon Valley giống như một ngã tư rất đông, ai làm công nghệ cũng sẽ có lúc phải đi qua ngã tư này. Do đó, với lợi thế làm việc tại đây, tôi đã gặp được rất nhiều người tài, cả người Việt Nam và người đến từ khắp nơi trên thế giới.

Từ đó, tôi cảm thấy vinh hạnh khi trở thành một cầu nối tự nhiên giúp kết nối cộng đồng ĐMST và khởi nghiệp Việt Nam ra thế giới, giống như một cánh tay nối dài của NIC. Đặc biệt, tôi luôn mong muốn phát triển lớn mạnh hơn nữa cộng đồng NIC Silicon Valley (Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại bờ Tây, Hoa Kỳ).

NIC - nơi hội tụ trí tuệ, hỗ trợ startup biến ước mơ thành hiện thực, giúp hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo lớn mạnh - Ảnh 3.

Cũng là người đang khởi nghiệp, tôi nhận thấy các startup sẽ có rất nhiều thuận lợi khi tham gia hệ sinh thái của NIC. Điển hình như, NIC sẽ giúp startup có nhiều sự kết nối nguồn lực hơn, vì startup giai đoạn đầu giống như một đứa trẻ mới sinh, cần bắt đầu tập bò, rồi tập đi, nên thời gian đầu, startup cần rất nhiều thứ.

Khi NIC giúp các startup ngay từ giai đoạn đầu như là cơ sở hạ tầng, truyền thông mở rộng thị trường thì họ có thể tập trung vào phát triển sản phẩm của mình. Đặc biệt, hiện nay, NIC đã tạo được một không gian làm việc chung cho các startup, đây là điều vô cùng hữu ích, vì khi họ ngồi cạnh nhau, họ sẽ học hỏi được lẫn nhau, giúp cộng đồng cùng phát triển đi lên.

Khi các startup tham gia  hệ sinh thái của NIC, họ sẽ được tận dụng hệ thống alumni, hệ thống mentor, đội ngũ  chuyên gia giúp đưa ra lời khuyên cho các startup, giúp các startup đi đến đích sớm hơn. Và khi đội ngũ  chuyên gia có tên tuổi, có uy tín nhất định, thì việc startup được giam gia vào hệ sinh thái ĐMST và – khởi nghiệp cũng thể hiện họ là tổ chức có tiềm năng và độ tín nhiệm cao.

Khi đó, giá trị của NIC sẽ càng tăng lên và rất có lợi cho hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp Việt Nam.

Theo chị, NIC có điểm gì đặc biệt so với các trung tâm đổi mới sáng tạo mà chị từng tiếp xúc?

NIC - nơi hội tụ trí tuệ, hỗ trợ startup biến ước mơ thành hiện thực, giúp hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo lớn mạnh - Ảnh 4.

Phối cảnh Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. (Nguồn: NIC)

So với trung tâm bên Mỹ, NIC ở tầm vĩ mô hơn. Ở bên Mỹ, trung tâm đổi mới sáng tạo do tư nhân làm chủ và hoạt động theo lợi nhuận là chính, họ sẽ chọn những startup nào có khả năng thành kỳ lân để đầu tư. Còn NIC hình thành đúng là để cho hệ sinh thái sinh thái ĐMST và khởi nghiệp cho đất nước.

Ở thời điểm hiện tại, NIC đã phát triển rất nhanh. Trong thời gian tới, tôi tin hệ sinh thái của NIC sẽ tạo được hệ thống mạng lưới startup chất lượng cao, thu hút nhiều  nhà đầu tư hơn. Trên thực tế, rất nhiều quỹ đầu tư, nhà đầu tư muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng họ không biết đầu tư vào đâu. Và nhờ sư phát triển hệ sinh thái của NIC, các startup sẽ rất thuận lợi trong quá trình phát triển doanh nghiệp.

NIC - nơi hội tụ trí tuệ, hỗ trợ startup biến ước mơ thành hiện thực, giúp hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo lớn mạnh - Ảnh 5.

Chị là một người làm startup, rất bận rộn, tại sao chị vẫn muốn dành thời gian cống hiến cho cộng đồng ĐMST và khởi nghiệp cho NIC?

Theo tôi, không có một ai có thể tự đi một mình trên một con đường được, nhất là trong lĩnh vực công nghệ và startup, có người giúp mình thì mình mới đi xa được. Với riêng bản thân tôi, tôi có được ngày hôm nay vì có nhiều người thành công giúp đỡ. Do đó, ngày hôm nay, tôi muốn giúp đỡ lại người khác như một cách để trả ơn.

Hơn nữa, làm được điều gì đó giúp người khác khiến tôi vui thôi! Tôi cũng không cần người ta phải trả lại mình. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình giúp người khác, cuộc sống của người khác tốt hơn và khi nhiều người nhìn thấy mình làm như vậy thì người ta cũng làm như vậy. Điều này sẽ tạo thành hiệu ứng tích cực cho cộng đồng ĐMST và khởi nghiệp tại Việt Nam.

Có một điều tôi thấy là ở Việt Nam mạng lưới hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp còn rất non trẻ. Mặc dù các bạn người Việt mình rất thông minh và chịu khó. Chỉ có điều, các bạn ấy giống như là một người đi trong bóng tối, mò mẫm, dễ vấp ngã. Nếu mình có đèn pin và soi đường giúp họ để họ đi một cách nhanh hơn và không bị bầm dập thì là điều vô cùng tuyệt vời.

Vì là người đi trước, tôi muốn giúp đỡ họ nhiều nhất trong khả năng của mình. Khi là một phần trong mạng lưới kết nối, hỗ trợ của NIC, tôi hy vọng sẽ lan tỏa được nhiều năng lượng tích cực, hỗ trợ các bạn trong động đồng ĐMST và khởi nghiệp đi lên, từ đó giúp Việt Nam sẽ trở thành một đất nước văn minh, tiến bộ hơn. Điều này sẽ tốt cho tất cả mọi người, tôi nghĩ đơn giản vậy thôi chứ không nghĩ gì nhiều.

Chị nghĩ phụ nữ có thuận lợi và khó khăn gì khi tham gia các hoạt động ĐMST và khởi nghiệp?

Mọi người hay nói về khó khăn của phụ nữ khi làm trong lĩnh vực công nghệ nhưng thực ra phụ nữ lại có rất nhiều thuận lợi,  ví dụ như rất nhiều ứng dụng công nghệ đang xây dựng dành cho đối tượng là phụ nữ.

Nếu lãnh đạo và người tạo ra sản phẩm đấy là nam giới thì sao hiểu được tâm lý của nữ giới. Và rất nhiều nghiên cứu về thị trường đều thể hiện rằng, đa phần phụ nữ là người đưa ra quyết định mua sắm cho cả hộ gia đình.

Vậy nếu phụ nữ là người nắm chìa khóa chi tiêu và hầu hết các sản phẩm trên thị trường được tạo ra  hướng tới nữ giới nhưng người tạo ra sản phẩm đấy lại không phải là nữ thì sao có thể làm được một sản phẩm tốt.

Nữ giới làm về công nghệ thì khó và rất cạnh tranh nhưng cũng có một số lợi thế nhất định, điển hình như việc hiểu được tâm lý người dùng. Đó là cái lợi thứ nhất.

Cái lợi thứ hai là về cách suy nghĩ. Dù sản phẩm làm ra dành cho giới nào đi chăng nữa thì phụ nữ vẫn là một nửa của thế giới, nếu như không có sản phẩm cho một nửa của thế giới thì làm sao có thể tốt được. Nên mọi người cần đa dạng hóa trong cách suy nghĩ.

Không chỉ đa dạng hóa suy nghĩ về giới tính mà còn cả về sắc tộc, nền tảng… Chị đã gặp và làm việc với rất nhiều bạn giỏi, mà các bạn ấy không hệ học trường top 10 hay top 5, thậm chí còn chưa tốt nghiệp đại học.

Nếu không có thêm phụ nữ hay không có thêm những người có nền tảng ngược như thế thì sẽ không có những suy nghĩ mới và không thể đổi mới sáng tạo được. Đối với tôi, phụ nữ là chìa khóa cho đổi mới sáng tạo.

Về khó khăn thì rất nhiều. Khi phát biểu ý kiến trái ngược với đám đông, nam giới thường được vỗ tay, còn nữ giới hay được cho là khó tính. Thành ra phụ nữ làm công nghệ có rất nhiều trở ngại. Nếu có thể giảm bớt được những chông gai đấy thì sẽ có nhiều phụ nữ làm công nghệ hơn và nhiều người thành công hơn trong lĩnh vực công nghệ nói riêng và cộng động ĐMST và khởi nghiệp nói chung.

NIC - nơi hội tụ trí tuệ, hỗ trợ startup biến ước mơ thành hiện thực, giúp hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo lớn mạnh - Ảnh 6.

Lời khuyên mà chị dành cho các bạn nữ muốn tham gia vào lĩnh vực công nghệ, ĐMST và khởi nghiệp là gì?

Tôi muốn nói rằng, các bạn cứ đi, không có gì là không thể! Con đường càng chông gai thì mình  càng phải cố hơn một chút và sẽ đến đích thôi. Mình vẫn có thể đạt được những thứ mà các bạn nam đạt được, nhưng mà mình sẽ phải nghĩ ra các cách khác nhau để thực hiện mục tiêu đó. Có thể các bạn nam chỉ cố gắng 5 phần thôi thì mình phải cố 10 phần, thực tế mọi thứ sẽ khó hơn nhưng không phải là không thể.

Là một người phụ nữ làm trong lĩnh vực công nghệ, tôi muốn mình có thể kết nối nhiều người giỏi lại với nhau, cùng họ tham gia vào hệ sinh thái của NIC để cộng đồng ĐMST và khởi nghiệp Việt Nam phát triển lớn mạnh hơn nữa. Khi cộng đồng có nhiều người có tầm ảnh hưởng thì độ phủ sóng của cộng đồng sẽ lớn hơn. Từ đó, cộng đồng ĐMST và khởi nghiệp Việt Nam sẽ phát triển bền vững.

Cảm ơn chia sẻ của chị!

Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia sẽ tổ chức Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) từ 28/10 đến 1/11, kết hợp với Lễ Khánh thành Cơ sở của Trung tâm tại Khu CNC Hòa Lạc. VIIE 2023 dự kiến sẽ có sự góp mặt của gần 300 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước, đón tiếp hàng chục nghìn khách tham dự sự kiện.

Truy cập để biết thêm chi tiết về Sự kiện: https://expo.nic.gov.vn/