Kết quả trên được nhóm nghiên cứu Đại học California, Los Angeles (UCLA) trình bày tại cuộc họp của Hiệp hội Hóa học Mỹ ở San Diego ngày 26/3. Công trình dự kiến xuất bản trên tạp chí Hazardous Materials Letters vào cuối năm.
Trong thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra 10 loại kẹo cao su phổ biến trên thị trường Mỹ, bao gồm cả loại tổng hợp và tự nhiên. Một tình nguyện viên được yêu cầu nhai kẹo trong vòng 4 phút. Cứ sau 30 giây, nước bọt tiết ra được thu thập và tình nguyện viên súc miệng bằng nước tinh khiết để thu gom vi nhựa còn sót lại trong miệng. Phương pháp này được lặp lại 7 lần cho mỗi loại kẹo.
Một số mẫu được nhai trong thời gian kéo dài đến 20 phút để đánh giá tác động của thời gian nhai đối với lượng vi nhựa giải phóng. Sau đó, các mẫu nước bọt được phân tích bằng kính hiển vi và các phương pháp lọc hóa học nhằm đảm bảo kết quả chính xác.
Phân tích cho thấy trung bình 1 gam kẹo cao su thải ra khoảng 100 hạt vi nhựa, với một số loại ghi nhận lên tới 637 hạt. Hơn 94% vi nhựa được thải ra trong 8 phút đầu tiên của quá trình nhai. Đáng chú ý, kẹo cao su tự nhiên không làm giảm đáng kể lượng vi nhựa giải phóng. Kẹo cao su tổng hợp và tự nhiên đều phóng thích các polyme như polyolefin, polyterephthalate (PET), polyacrylamide và polystyrene – những vật liệu nhựa quen thuộc trong sản phẩm tiêu dùng, theo tiến sĩ Tasha Stoiber, chuyên gia tại Nhóm Công tác Môi trường.
"Việc vi nhựa được giải phóng không phải là điều bất ngờ. Bất kỳ loại nhựa nào khi chịu tác động từ nhiệt, ma sát hay lực cơ học – như nhai – đều có thể giải phóng vi nhựa", tiến sĩ David Jones, giảng viên tại Trường Môi trường và Khoa học Đời sống, Đại học Portsmouth, nhận xét. Ông cũng nhấn mạnh, trung bình con người hít thở, ăn và uống khoảng 250.000 hạt vi nhựa mỗi năm.

Kẹo cao su có thể thải ra vi nhựa trong quá trình nhai. Ảnh: Helvident
Vi nhựa là các mảnh nhựa có kích thước dưới 5 mm, còn nano nhựa thậm chí nhỏ hơn, chỉ tính bằng micromet. Những hạt này bền và linh hoạt, thường xuất hiện trong thành phần kẹo cao su để duy trì độ đàn hồi và kết cấu. Theo các nghiên cứu trước đây, vi nhựa có khả năng xâm nhập cơ thể qua đường tiêu hóa và hô hấp. Chúng đã được phát hiện trong máu, phổi, não, nhau thai và thậm chí cả tinh hoàn, làm dấy lên mối lo ngại về tác động lâu dài đối với sức khỏe.
Ngoài những ảnh hưởng tiềm tàng đến sức khỏe con người, nghiên cứu này cũng đặt ra vấn đề về ô nhiễm môi trường do kẹo cao su bị vứt bỏ không đúng cách. Các chuyên gia kêu gọi cần có thêm các nghiên cứu để đánh giá toàn diện hơn về tác động của vi nhựa từ kẹo cao su.
Thục Linh (Theo CNN)