Ngất xỉu giữa nắng nóng có phải do tim mạch?

Admin

Vào mùa hè, nền nhiệt độ cao tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới ngất xỉu, khó thở hoặc xuất hiện các triệu chứng ở tim mạch khác cao hơn bình thường.

Bác sĩ Phạm Thu Thủy, Khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, cho biết nhiệt độ cao có thể làm cho huyết áp tụt đột ngột, rối loạn chức năng hệ thần kinh thực vật, cơ thể nhanh mệt mỏi, bài tiết nhiều mồ hôi. Đặc biệt là tụt huyết áp nhanh trong lúc chơi thể thao hoặc ngay sau khi đi vệ sinh, dẫn tới ngất xỉu.

Người làm việc lâu dưới ánh nắng mặt trời, rèn luyện thể lực với cường độ cao... dễ bị ngất xỉu do tăng tiết mồ hôi, khối lượng nước trong mạch máu sụt giảm gây tụt huyết áp, giảm lưu lượng máu lên não khi đứng lên. Ngất xỉu do nhiệt độ cao kèm theo các biểu hiện khác như hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, tiểu ít, nước tiểu cô đặc...

"Với những bệnh nhân đã có bệnh lý nền về tim mạch tiềm ẩn nguy cơ cao hơn, có thể gây khó thở, ngất xỉu hoặc xuất hiện các triệu chứng khác ở tim mạch vào mùa nắng nóng. Ngược lại, với người không có bệnh lý nền, khi khám bệnh thông thường sẽ khó phát hiện ra nguyên nhân hoặc bệnh lý đặc biệt", bác sĩ Thủy nói.

Còn TS.BS Alain Patrice Lebon, khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, cho biết các bệnh lý liên quan tim mạch như rối loạn nhịp tim, bệnh động mạch vành, các bất thường ở van tim,... hoặc các bệnh về phổi như thuyên tắc phổi đều có biểu hiện là ngất xỉu. Trường hợp người bệnh có tiền sử mắc các bệnh lý này và ngất xỉu đột ngột, kéo dài, nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, có thể dẫn đến các biến chứng khác nguy hiểm hơn, thậm chí là đe dọa đến tính mạng.

Ngất xỉu cũng được xem là biểu hiện nghiêm trọng trong các trường hợp khi đang tập thể dục với cường độ cao; cảm thấy khó thở, đau tức ngực, tim đập nhanh bất thường, đánh trống ngực; bị ngất do mất nhiều máu; hoặc ngất xỉu xảy ra nhưng không có dấu hiệu báo trước, ngay cả khi bạn đang nằm.

Bác sĩ Phạm Thu Thuỷ thăm khám cho một bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Phạm Thu Thuỷ thăm khám cho một bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh có thể phát hiện sớm tình trạng ngất xỉu nếu cảm thấy không ổn trong người, mệt, hoa mắt, chóng mặt, xây xẩm. Khi người bệnh đột ngột ngất xỉu, người thân không cố gắng di chuyển bệnh nhân, đặt họ nằm ngay tại chỗ, chân kê lên cao khoảng 30 cm và nhanh chóng gọi cấp cứu. Trường hợp nghiêm trọng, sự chậm trễ có thể dẫn tới tử vong.

Để phòng ngừa, mọi người cần đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể bởi mất nước là một trong nguyên nhân dẫn tới ngất xỉu. Hạn chế ra ngoài hoặc làm việc trong thời gian dài khi nhiệt độ ngoài trời lên cao. Sử dụng điều hòa hoặc quạt để ngăn ngừa đổ nhiều mồ hôi. Xây dựng kế hoạch thể dục thể thao hợp lý theo từng thời điểm, tránh tập luyện với cường độ cao vào lúc nắng nóng gay gắt, đồng thời đảm bảo bù đủ nước cho cơ thể ngay sau khi tập luyện.

Huyết áp thấp dễ dẫn tới ngất xỉu, vì vậy việc duy trì huyết áp ổn định rất quan trọng. Mọi người nên bổ sung các loại thực phẩm giúp ổn định huyết áp vào chế độ ăn uống hợp lý.

Ngất xỉu thông thường không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu bị ngất thì hãy thận trọng, nên tới các bệnh viện chuyên khoa để kiểm tra và tầm soát nguy cơ nếu do tim mạch gây ra. Tuyệt đối không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trong việc điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Lê Nga