Một mặt hàng đồ khô của Việt Nam được Nga, Trung Quốc cực kỳ ưa chuộng thời lạm phát, xuất khẩu tăng vọt trong tháng 4

Admin

Các sản phẩm cá khô của Việt Nam đang được coi là vị cứu tinh cho ngành thủy sản trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản sụt giảm mạnh.

Một mặt hàng đồ khô của Việt Nam được Nga, Trung Quốc cực kỳ ưa chuộng thời lạm phát, xuất khẩu tăng vọt trong tháng 4 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu các mặt hàng thủy sản trong tháng 4 đạt hơn 810 triệu USD, giảm 28,2% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính vẫn đang trong tình trạng tăng trưởng âm trong tháng 4 với mức giảm sâu. Cụ thể xuất khẩu cá tra giảm 52%, xuất khẩu tôm giảm 35%, cá ngừ giảm 38% và mực bạch tuộc giảm 11% và các sản phẩm từ cá chế biến khác cũng chức kiến suy giảm nhưng mức giảm nhẹ hơn.

Trong tháng 4/2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm mạnh nhất với mức giảm 53%. Tiếp đến là EU với mức giảm 40%, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 40%, Hàn Quốc giảm 30% và Nhật Bản giảm 15%. Bên cạnh các thị trường sụt giảm sâu, một số thị trường có dấu hiệu tích cực trong tháng 4 như Anh tăng nhẹ 1%, xuất khẩu sang Nga tăng 25%, Israel tăng 21%, Brazil tăng 5% và đặc biệt là thị trường Saudi Arabia với mức tăng lên đến 67%.

Như vậy tính đến hết tháng 4, xuất khẩu thủy hải sản mang về hơn 2,6 triệu USD, giảm 36,7% so với cùng kỳ năm 2022.

VASEP cho biết bên cạnh các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra sụt giảm mạnh, các sản phẩm đồ khô đang trở thành điểm sáng trong xuất khẩu thủy sản. Riêng trong tháng 4/2023, xuất khẩu cá biển khô các loại tăng 65%, đạt gần 26 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, sản phẩm này đã thu về gần 78 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2022. Hai loại cá khô Việt Nam được ưa chuộng nhất hiện nay là cá cơm và cá chỉ vàng. Trong đó, cá cơm chiếm 66% và cá chỉ vàng chiếm 14%.

Một mặt hàng đồ khô của Việt Nam được Nga, Trung Quốc cực kỳ ưa chuộng thời lạm phát, xuất khẩu tăng vọt trong tháng 4 - Ảnh 2.

Nguồn: VASEP

5 thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá khô của Việt Nam là Trung Quốc chiếm 56%, Nga chiếm 17%, Malaysia chiếm 8%, Hong Kong chiếm 4% và Hàn Quốc chiếm 3%. Kết quả 4 tháng đầu năm nay cho thấy, chỉ có Malaysia giảm nhu cầu cá khô Việt Nam, 4 thị trường còn lại đều tăng nhập khẩu, trong đó Trung Quốc tăng tới 72%, và Hong Kong tăng 59%.

Bên cạnh đó nhiều thị trường khác cũng tăng cường nhập khẩu cá khô của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm gồm Đài Loan tăng 45%, Rumani tăng 90%, Australia tăng 10% và Lithuana tăng 61%.

VASEP đánh giá trong bối cảnh lạm phát, người tiêu dùng đã thay đổi thói quen, khi mà giá cả chi phối hành vi mua bán của họ. Sản phẩm tươi/sống đang dần dần bị thay thế bằng hàng khô và đóng hộp. Do vậy, các nhà cung cấp thủy sản bây giờ ngoài áp lực phải điều chỉnh giá sao cho hấp dẫn thì còn phải quan tâm đến gia tăng dịch vụ cho sản phẩm để kích thích nhu cầu.