Nhóm nguyên nhân về vô sinh nam bắt đầu được chú ý
Ngày 22/9, tại "Hội thảo khoa học lần thứ 5" do Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức, các chuyên gia đầu ngành đến từ các bệnh viện, trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn đã đưa ra những báo cáo, nghiên cứu khoa học trong điều trị vô sinh hiếm muộn nói chung và vô sinh nam nói riêng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe các báo cáo với nhiều chủ đề ý nghĩa như: Vô sinh nam từ góc nhìn thực hành tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội; Chuẩn bị mẫu tinh trùng bất thường nặng trong hỗ trợ sinh sản của; Xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi trong vô sinh nam: Khi nào cần thiết?....
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc nằm ở độ tuổi dưới 30. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn chiếm tỉ lệ khoảng 7,7%.
Tỉ lệ vô sinh do nam giới chiếm 40%, do nữ giới chiếm 40%, 10% do cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân. Điều này cho thấy nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn xuất phát từ hai phía cả nam và nữ. Những năm gần đây nhóm nguyên nhân về vô sinh nam bắt đầu được chú ý nhiều hơn giai đoạn trước.
Sau quá trình thăm khám và thực tế điều trị cho bệnh nhân các chuyên gia, bác sĩ đã đưa ra các nhóm nguyên nhân có thể gây vô sinh nam như: Do bệnh lý (tắc nghẽn đường dẫn tinh; giãn tĩnh mạch thừng tinh; xuất tinh ngược dòng; bệnh lý do nhiễm trùng…);
Nguyên nhân do yếu tố di truyền; thói quen lối sống không khoa học ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng tinh trùng…
Theo BSCKI Phạm Văn Hưởng- Phó Giám đốc Chuyên môn, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội nhấn mạnh, các đề tài nghiên cứu tập trung vào nhóm nguyên nhân gây vô sinh do không có tinh trùng, bất thường về di truyền: Đột biến mất đoạn AZF trên nhiễm sắc thể Y, bệnh Klinefelter (Hội chứng Klinefelter là tình trạng bất thường nhiễm sắc thể gây nên thiểu năng sinh dục và vô sinh ở nam giới)…
Những nguyên nhân khác như: Viêm tinh hoàn, teo tinh hoàn do quai bị, những bệnh lý tinh hoàn ẩn, giãn tĩnh mạch tinh. Đây là những nhóm nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng không có tinh trùng ở nam giới.
Với nhóm nguyên nhân vô sinh nam do không có tinh trùng trong tinh dịch hay còn gọi là vô tinh, bệnh viện đã và đang triển khai thành công phương pháp phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro Tese.
"Đây là kỹ thuật mổ vi phẫu để tìm từng ống sinh tinh còn sót lại trong tinh hoàn, từ đó kiểm tra và tìm tinh trùng. Có rất nhiều bệnh nhân vô tinh khi thực hiện các kỹ thuật Pesa, Tese không tìm thấy tinh trùng nhưng đã thành công nhờ Micro Tese và có được đứa con của "chính chủ"", BS.Hưởng cho hay.
Một trong những nội dung nổi bật ở các báo cáo khoa học được trình bày tại hội thảo là vấn đề liên quan đến xuất tinh vẫn có tinh trùng nhưng số lượng tinh trùng ít, chất lượng tinh trùng kém và đặc biệt là có trường hợp tỉ lệ tinh trùng dị dạng bất động 100%.
Những trường hợp này, sau thời gian thực hành nghiên cứu chuyên sâu, các bác sĩ Bệnh viện đã đưa ra được giải pháp ưu việt kết hợp điều trị nội khoa bằng thuốc.
Ngoài ra, có thể can thiệp phẫu thuật, thủ thuật tìm đủ số lượng và chất lượng tinh trùng, góp phần thực hiện hỗ trợ sinh sản thành công cho bệnh nhân.
Về nhóm nguyên nhân gây vô sinh nam do không có tinh trùng trong tinh dịch (vô tinh) đã được thực hiện rất nhiều trong các báo cáo, nghiên cứu khoa học trước đây. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, bác sĩ tại hội thảo.
Xét nghiệm chuyên sâu về gen
Ths.BS Đinh Hữu Việt - Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chia sẻ thêm, trước đây với những bệnh nhân không có tinh trùng, thông thường chúng ta chỉ dừng lại ở các xét nghiệm nội tiết, xét nghiệm chỉ số sinh học, xét nghiệm nhiễm sắc thể, xét nghiệm gen AZF, siêu âm tinh hoàn…
Nhưng, bây giờ chúng ta còn có những bộ xét nghiệm gen chuyên sâu hơn để sàng lọc những gen gây ảnh hưởng đến tinh trùng cho nam giới.
Từ đó, giải trình tự gen để tìm thêm những nguyên nhân dẫn đến không có tinh trùng mà trước đây chưa biết.
Một số trường hợp bị đột biến gen, mặc dù gen rất nhỏ nhưng vẫn có khả năng gây ra tình trạng không có tinh trùng.
"Mặc dù vẫn còn nhiều tranh luận về nội dung này, tuy nhiên có thể thấy rằng việc thực hiện những xét nghiệm chuyên sâu về gen là hướng đi mới, gợi mở để các bác sĩ lâm sàng đánh giá tỉ lệ tìm thấy tinh trùng cho bệnh nhân trước mổ là bao nhiêu phần trăm. Từ đó, đưa đến quyết định có nên thực hiện phẫu thuật tìm tinh trùng cho bệnh nhân hay không", BS.Việt cho biết.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, chia sẻ và đề xuất các giải pháp điều trị hiệu quả, góp phần hiện thực hóa giấc mơ làm cha mẹ cho nhiều gia đình hiếm muộn mong con.