Mỡ máu cao có gây tê tay chân?

Admin

Mỡ máu cao có thể gây nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có tổn thương hệ thần kinh ngoại biên với dấu hiệu phổ biến là tê bì tay chân.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Trung tá, Ths.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa và BS.CK1 Võ Ngọc Duy, Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175.

Rối loạn mỡ máu xảy ra khi mức cholesterol, triglyceride hoặc các chất béo khác trong máu vượt quá mức bình thường. Tình trạng này không chỉ gây nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng, tổn thương hệ thần kinh ngoại biên. Một trong những dấu hiệu phổ biến của sự tổn thương này là tê bì tay chân.

Rối loạn mỡ máu ảnh hưởng đến tê bì tay chân thế nào?

Rối loạn mỡ máu có thể gây tổn thương hệ thần kinh, đặc biệt là các sợi thần kinh nhỏ. Những sợi này chịu trách nhiệm truyền tải cảm giác đau, nhiệt độ và một phần chức năng vận động. Khi bị tổn thương, chúng có thể dẫn đến các triệu chứng tê bì, đau rát, nhức nhối hoặc cảm giác như kim châm ở tay chân.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở những bệnh nhân rối loạn mỡ máu, chức năng của các sợi thần kinh nhỏ có thể bị suy giảm đáng kể, gây triệu chứng tê bì tay chân. Đây là dấu hiệu của bệnh lý thần kinh sợi nhỏ, một dạng tổn thương dây thần kinh ngoại biên.

Rối loạn mỡ máu gây tổn thương hệ thần kinh qua cơ chế nào?

Rối loạn mỡ máu gây tổn thương hệ thần kinh thông qua một số cơ chế sau:

Stress oxy hóa: Khi mức lipid trong máu tăng cao, nó có thể kích hoạt quá trình sản xuất các gốc tự do. Những gốc tự do này có thể gây tổn thương cho các tế bào thần kinh, dẫn đến mất chức năng và gây ra các triệu chứng tê bì.

Viêm nhiễm: Lipid oxy hóa trong máu có thể gây ra phản ứng viêm ở các dây thần kinh. Quá trình viêm kéo dài có thể làm hỏng lớp bảo vệ của dây thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng dẫn truyền tín hiệu thần kinh và gây tê bì.

Thiếu máu cục bộ: Rối loạn mỡ máu gây hẹp mạch máu, khiến lưu lượng máu đến các dây thần kinh bị giảm. Điều này dẫn đến việc các sợi thần kinh không nhận đủ oxy và dưỡng chất cần thiết, dẫn đến suy giảm chức năng và gây ra các triệu chứng tê bì.

Tác động trực tiếp của lipid: Các loại lipid trong máu có thể tích tụ và gây tổn thương trực tiếp đến sợi thần kinh nhỏ, làm suy giảm khả năng dẫn truyền tín hiệu cảm giác, gây nên hiện tượng tê bì tay chân.

Bệnh nhân khám vì tê bì tay chân tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: Lê Phương

Bệnh nhân khám vì tê bì tay chân tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: Lê Phương

Làm thế nào để phát hiện bệnh lý thần kinh do rối loạn mỡ máu?

Việc chẩn đoán bệnh lý thần kinh do rối loạn mỡ máu thường không dễ dàng vì triệu chứng có thể không rõ ràng trong giai đoạn đầu. Để phát hiện, bác sĩ thường dựa vào các triệu chứng lâm sàng như cảm giác tê bì, đau nhức ở tay chân, kèm theo xét nghiệm máu để kiểm tra mức lipid trong máu. Ngoài ra, các phương pháp kiểm tra chức năng thần kinh chuyên sâu có thể được áp dụng, bao gồm:

Test cảm giác đau, nhiệt định lượng: Đây là một phương pháp giúp đánh giá chức năng của các sợi thần kinh nhỏ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở những bệnh nhân rối loạn mỡ máu, thời gian phản xạ này thường kéo dài và phản ánh tình trạng tổn thương các sợi thần kinh nhỏ.

Các xét nghiệm khác: Đánh giá chức năng thần kinh tự chủ, đánh giá phản ứng tiết mồ hôi cũng giúp đánh giá các chức năng khác của thần kinh sợi nhỏ.

Điều trị rối loạn mỡ máu có thể giảm triệu chứng tê bì tay chân không?

Việc điều trị rối loạn mỡ máu không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch mà còn giảm các triệu chứng tê bì tay chân do tổn thương thần kinh. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời rất quan trọng, giúp ngăn ngừa và giảm thiểu các triệu chứng.

Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa và điều trị:

Chế độ ăn uống: Điều chỉnh chế độ ăn uống bằng cách giảm tiêu thụ chất béo bão hòa, cholesterol và tăng cường bổ sung chất xơ, omega-3. Các thực phẩm như rau xanh, trái cây, cá biển chứa nhiều omega-3 có thể giúp cân bằng mức lipid trong máu.

Tập thể dục: Thực hiện các bài tập thể dục đều đặn như đi bộ, bơi lội, yoga giúp cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường chức năng tim mạch và kiểm soát cân nặng, từ đó giúp giảm mức lipid trong máu.

Dùng thuốc: Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể kê đơn thuốc hạ lipid máu. Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng vì một số loại thuốc có thể gây tác dụng phụ lên hệ thần kinh.

Theo dõi sức khỏe: Việc theo dõi sức khỏe định kỳ, bao gồm kiểm tra mức lipid trong máu, đường huyết và các chỉ số liên quan, giúp điều chỉnh chế độ điều trị phù hợp. Điều này rất quan trọng trong việc ngăn ngừa và quản lý bệnh lý thần kinh do rối loạn mỡ máu.

Lê Phương