Từ mùa tuyển sinh 2025, tất cả nguyện vọng xét tuyển đại học đều phải được đăng ký trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Đây là bước đi quan trọng nhằm chuẩn hóa, số hóa và minh bạch hóa quy trình tuyển sinh.
Thế nhưng, khi chủ trương còn chưa ráo mực, thực tế đã xuất hiện tình trạng một số trường đại học thu thêm nhiều loại lệ phí khác nhau, dù thí sinh đã nộp lệ phí trên hệ thống của bộ.
Có trường thu vài chục nghìn, có trường lên đến vài trăm nghìn đồng cho mỗi hồ sơ. Việc mỗi nơi một kiểu, mạnh ai nấy thu không chỉ gây áp lực tài chính cho thí sinh, mà còn đặt ra câu hỏi về tính minh bạch, công bằng và cả hình ảnh của chính các trường đại học. Dư luận đặt câu hỏi: Đây là lệ phí tuyển sinh hay là “lệ phí mở rộng” vượt khỏi quy định pháp luật?
Về nguyên tắc, tuyển sinh là một hoạt động công phục vụ người học, phải được tổ chức công khai, công bằng và đúng luật. Luật Giáo dục đại học quy định rõ các trường được tự chủ tuyển sinh, nhưng không thể vì thế mà tự ý đặt ra lệ phí theo kiểu “ai thu được thì thu”.
Trong khi Bộ GD&ĐT chưa ban hành một khung lệ phí chung cho toàn hệ thống, việc để các trường tự quyết mức thu khiến quy trình tuyển sinh bị phân mảnh, gây khó khăn cho thí sinh - đặc biệt là các em ở vùng khó khăn, điều kiện kinh tế hạn chế.
Các trường lý giải rằng khoản phí thu thêm để bù đắp chi phí hệ thống, nhân sự, phần mềm xử lý hồ sơ. Tuy nhiên, với xu hướng chuyển đổi số, việc xử lý dữ liệu đã có thể tự động hóa, việc nhập liệu hay xác minh tổ hợp môn không còn quá phức tạp.
Hơn nữa, Bộ GD&ĐT đã thu lệ phí nguyện vọng trên hệ thống chung và từng trích lại cho các trường 5.500 đồng/nguyện vọng để hỗ trợ vận hành. Việc thu thêm chỉ hợp lý khi kèm theo giá trị tăng thêm thực sự - như tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng, phỏng vấn trực tiếp hoặc chấm hồ sơ chi tiết. Còn nếu chỉ là “kiểm tra học bạ” hay “xác minh học sinh đạt điều kiện”, bản chất không khác gì tận thu.
Thực trạng này không chỉ tạo cảm giác thiếu minh bạch mà còn gây bất lợi cho những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Một học sinh nghèo muốn đăng ký nhiều phương thức, nhiều trường, có thể phải nộp hàng trăm nghìn đồng chỉ để "được xét", chưa nói đến khả năng trúng tuyển. Điều đó đi ngược lại nguyên tắc tạo cơ hội tiếp cận công bằng với giáo dục đại học.
Tự chủ không đồng nghĩa với tùy tiện. Khi một trường công lập tổ chức tuyển sinh, sử dụng cơ sở vật chất, con người và phần mềm được đầu tư từ ngân sách, thì việc thu thêm từ người học phải tuân thủ nguyên tắc: hợp lý, đúng quy định và có giải trình. Nếu không kiểm soát, lệ phí có thể trở thành công cụ “lọc ngầm” người học - không phải bằng năng lực, mà bằng khả năng chi trả.
Để đảm bảo sự công bằng và minh bạch, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành hướng dẫn thống nhất về lệ phí tuyển sinh, bao gồm: Danh mục lệ phí được phép thu, mức trần cụ thể, nguyên tắc công khai và cơ chế giám sát.
Đồng thời, bộ cần làm rõ tiêu chí khi trường thu lệ phí riêng: chỉ áp dụng khi có tổ chức hoạt động tuyển chọn mang tính phân loại như thi đánh giá năng lực, xét tuyển hồ sơ năng lực hoặc phỏng vấn. Các khoản phí xử lý hồ sơ đơn thuần cần được tính trong lệ phí chung do bộ tổ chức.
Ngoài ra, nên có cơ chế miễn hoặc giảm lệ phí đối với học sinh thuộc diện khó khăn - điều nhiều nước đã áp dụng để tránh việc lệ phí trở thành rào cản vào đại học. Việc thiết lập kênh phản ánh và công bố công khai bảng lệ phí tuyển sinh của các trường trên cổng tuyển sinh quốc gia cũng là biện pháp minh bạch hiệu quả.
Tuyển sinh đại học không chỉ là cánh cửa mở ra tương lai học tập cho người trẻ, mà còn phản ánh cách một hệ thống giáo dục tổ chức công bằng, chuyên nghiệp và lấy người học làm trung tâm. Một hệ thống tuyển sinh tốt không để ai bị bỏ lại phía sau - vì thiếu điểm, đã đành, nhưng càng không thể vì thiếu tiền nộp lệ phí.
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)
Thị trường lao động thay đổi chóng mặt, để tồn tại, con người cần học tập suốt đời. Trong bối cảnh đó, tạp chí Tri Thức - Znews giới thiệu tới độc giả cuốn Học tập suốt đời của tác giả Michelle R.Weise.
Tác phẩm cung cấp cho độc giả những đánh giá về thị trường lao động tương lai, những giải pháp cho nhu cầu vừa học vừa làm đang ngày một tăng, cùng với đó là đưa ra những cách kết nối để quá trình chuyển đổi “học-làm” diễn ra thuận lợi hơn. Từ đó, tác giả nêu lên vai trò của việc học tập suốt đời.