Loại công nghệ Trung Quốc khiến cả thế giới kiêng dè: Được dự đoán sẽ trở thành "tài nguyên" cơ bản như điện, nước

Admin

Công nghệ này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động của AI, giúp củng cố mọi thứ từ dịch vụ gọi xe đến hoạt động kinh doanh hàng ngày hay chatbot như ChatGPT.

Loại công nghệ Trung Quốc khiến cả thế giới kiêng dè: Được dự đoán sẽ trở thành "tài nguyên" cơ bản như điện, nước - Ảnh 1.

Theo báo cáo đánh giá chỉ số sức mạnh máy tính toàn cầu (2022-2023) được công bố vào đầu tháng này, Trung Quốc sở hữu năng lực điện toán đứng thứ 2 thế giới (sau Mỹ) với 41% sản lượng kinh tế được tạo ra từ nền kinh tế kỹ thuật số.

Sự chuyển đổi kỹ thuật số nhanh chóng tại quốc gia này đã tạo ra nhu cầu mạnh mẽ về năng lực điện toán. Nó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động của trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, giúp củng cố mọi thứ từ dịch vụ gọi xe đến hoạt động kinh doanh hàng ngày hay chatbot như ChatGPT.

Theo People’s Daily , năng lực điện toán được coi là lực lượng sản xuất mới trong kỷ nguyên kinh tế số, giữ vai trò thiết yếu để thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số của các ngành công nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội.

Một báo cáo khác cho biết ngành công nghiệp Internet tại Trung Quốc đã sử dụng tới 50% tài nguyên máy tính, mức cao nhất trong số các ngành.

Nhờ năng lực điện toán, tại nhiều kho ngoại quan (khu vực kho bãi phục vụ nhu cầu xuất khẩu hàng hóa thương mại nội địa và quốc tế), hàng hóa bốc xếp tự động sau khi kho hàng nhận lệnh, sau đó được xe dẫn đường chuyển lên xe tải tự động, tất cả nhờ ứng dụng công nghệ điều phối tín hiệu di chuyển.

Loại công nghệ Trung Quốc khiến cả thế giới kiêng dè: Được dự đoán sẽ trở thành "tài nguyên" cơ bản như điện, nước - Ảnh 2.

Hàng hóa được vận chuyển tự động tại một nhà kho ở Trung Quốc (Ảnh: People's Daily).

"Chúng tôi giám sát các phương tiện và đường đi bằng thiết bị cảm biến bên đường và nền tảng điện toán biên, đồng thời phân phối dữ liệu Internet của phương tiện đến các nút mạng điện toán biên thông qua mạng 5G", Li Xiao - một giám đốc giải pháp vận chuyển thông minh 5G, cho biết.

Trong khi đó, tại khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia ở tỉnh Sơn Đông (phía đông Trung Quốc) được mệnh danh là “sân bay quốc tế” dành cho các loài chim, hệ thống giám sát thông minh đã giúp ích rất nhiều cho công việc khảo sát thực địa của kỹ sư Shan Kai. Sau hơn 2 thập kỷ làm việc tại đây, cuối cùng anh cũng có thể dừng việc ghi chép bằng tay vào phiếu khảo sát và quản lý mọi thứ nhờ công nghệ.

Li Xiao nói thêm rằng điều cần thiết trong quá trình số hóa các ngành công nghiệp ở Trung Quốc là năng lực điện toán sẽ không chỉ được mở rộng theo quy mô mà còn trở nên thông minh hơn. Điều này được dự đoán sẽ trở thành "nguồn tài nguyên" cơ bản như điện và nước, giúp Trung Quốc đạt được nhiều thành công lớn hơn trong sự phát triển tổng hợp của các yếu tố kỹ thuật số khác nhau.

Mới đây, Trung Quốc cho biết sẽ ưu tiên nâng cao năng lực điện toán trong bối cảnh quốc gia này chuyển trọng tâm sang việc tạo ra nền tảng vững chắc cho nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng của mình.

Người đứng đầu Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT) Trung Quốc, chia sẻ tại một diễn đàn: “Sức mạnh điện toán hiện là nền tảng của số hóa”. Theo người này, để tiến lên phía trước, Trung Quốc cần đẩy nhanh việc xây dựng các trung tâm điện toán và trung tâm dữ liệu quốc gia đồng thời đẩy nhanh tốc độ đột phá công nghệ.

Tính đến cuối tháng 6, Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm về năng lực điện toán gần 30%, duy trì trong 5 năm qua. Họ cũng đã thành lập Ủy ban Khoa học và Công nghệ Trung ương trong năm nay để tăng cường hơn nữa lĩnh vực này.