Kỹ sư phần mềm Gen Z gây choáng: Chỉ làm việc 1 giờ/ngày nhưng kiếm tiền tỷ, thời gian còn lại để du lịch, thành lập startup

Admin

Kỹ sư trẻ được coi là điển hình của không ít Gen Z hiện nay: Làm việc ở mức tối thiểu và dùng thời gian, năng lượng để làm những việc mình thực sự đam mê.

Kỹ sư phần mềm Gen Z gây choáng: Chỉ làm việc 1 giờ/ngày nhưng kiếm tiền tỷ, thời gian còn lại để du lịch, thành lập startup - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Kỹ sư phần mềm tại các gã khổng lồ công nghệ hàng đầu thế giới được coi là công việc mơ ước của nhiều người do đem lại mức thù lao hậu hĩnh. Ví dụ, vị trí này ở Google có thể kiếm được mức lương cơ bản lên tới 718.000 USD/năm (hơn 17 tỷ đồng). Một kỹ sư trẻ làm việc tại đây chia sẻ với tờ Fortune rằng anh đang kiếm được thu nhập 6 con số trong khi chỉ làm việc khoảng 5 giờ/tuần.

Devon – một kỹ sư phần mềm thuộc thế hệ Z, cho biết anh chỉ làm việc cho Google khoảng 1 giờ mỗi ngày với mức lương 150.000 USD/năm (hơn 3,6 tỷ đồng). Anh thường thức dậy lúc 9 giờ sáng, vệ sinh cá nhân và ăn sáng rồi làm việc cho Google đến 11 giờ hoặc muộn hơn một chút. Thời gian còn lại trong ngày, Devon (tên nhân vật đã được thay đổi để đảm bảo quyền riêng tư) dùng để phát triển startup của riêng mình.

Để giải thích cho việc chỉ làm khoảng hơn 1 giờ đồng hồ cho Google, anh nói rằng rất nhiều đồng nghiệp của anh thường xuyên tăng ca đến khuya mà không được thăng tiến nên anh không cảm thấy có động lực phải làm như vậy. “Không phải cứ cống hiến hết mình, đạt thành tích tốt là bạn được thăng chức”, Devon nói thêm.

Devon tiết lộ vì anh làm việc từ xa nên dường như không ai tại Google biết anh chỉ làm việc 1 giờ/ngày. Trước đó, khi thực tập tại đây, anh làm việc dưới 2 giờ/ngày, điều giúp anh có thời gian để đi du lịch dài ngày.

Kỹ sư phần mềm Gen Z gây choáng: Chỉ làm việc 1 giờ/ngày nhưng kiếm tiền tỷ, thời gian còn lại để du lịch, thành lập startup - Ảnh 2.

Nhiều kỹ sư phần mềm tại Google có mức thu nhập vài trăm nghìn USD/năm (Ảnh: Internet).

“Nếu muốn làm việc nhiều giờ hơn, tôi sẽ chọn một công ty khởi nghiệp chứ không phải một gã khổng lồ công nghệ”, Devon chia sẻ. Anh được coi là điển hình của không ít Gen Z hiện nay: Làm việc ở mức tối thiểu và dùng thời gian, năng lượng để làm những việc mình thực sự đam mê.

Trên thực tế, Devon không phải người duy nhất có suy nghĩ như vậy. Một số kỹ sư phần mềm của các công ty công nghệ lớn khác cũng chỉ duy trì làm việc cho công ty chính ở mức vài giờ mỗi ngày, thời gian còn lại, họ dùng để làm thêm hoặc phát triển dự án cá nhân để tăng thu nhập.

Những trường hợp như trên đã tạo ra nhiều luồng ý kiến tranh luận về việc có xứng đáng hay không khi một bộ phận nhân viên tại các ông lớn công nghệ như Google, Meta được trả mức lương cao ngất ngưởng chỉ để làm một vài tiếng hay xử lý lượng tối thiểu công việc mỗi ngày. Tình trạng này được các chuyên gia công nghệ gọi là “giả vờ làm việc”.

Trong đại dịch, các gã khổng lồ công nghệ đã tuyển dụng nhân sự ồ ạt để đáp ứng nhu cầu tăng vọt của người dùng trên toàn thế giới và tăng tính cạnh tranh so với các đối thủ.

Tuy nhiên, khi đại dịch kết thúc, số lượng công việc tại những công ty này lại không đủ để tất cả nhân viên bận rộn cả ngày. Sau đó, do tình hình kinh tế toàn cầu bất ổn, hàng loạt ông lớn công nghệ đã sa thải với số lượng lớn để cắt giảm chi phí. Một lý do khác, một số công ty để cho những nhân viên “giả vờ làm việc” tồn tại trong bộ máy nhằm ngăn họ đầu quân cho công ty đối thủ.

Cho dù "giả vờ làm việc" đến từ việc tuyển dụng quá nhiều hay là sản phẩm của quản lý kém thì lịch trình làm việc của Devon tại Google cũng phần nào cho thấy sự thay đổi của người lao động trong việc theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đặc biệt là những người thuộc thế hệ Z.