Kinh tế số giúp tăng năng suất lao động

Admin

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh kinh tế số, xã hội số là xu thế tất yếu toàn cầu và cần có sự kiên trì, bản lĩnh

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, cần nhận thức rõ kinh tế số và xã hội số là động lực, điều kiện để tăng năng suất lao động; là phương thức và lời giải cho bài toán phát triển bền vững, hiệu quả.

Trong 2 ngày 13 và 14-11, tại tỉnh Bình Dương đã diễn ra Diễn đàn Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II với chủ đề "Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động".

Bước tiến mạnh mẽ về chuyển đổi số

Tham dự diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh kinh tế số, xã hội số là xu thế tất yếu toàn cầu và cần có sự kiên trì, bản lĩnh. Chính phủ sẵn sàng lắng nghe và điều chỉnh các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất, ban hành, thực thi những mô hình thí điểm, đặc thù để thúc đẩy chuyển đổi số nói chung và phát triển kinh tế số nói riêng.

"Để công cuộc chuyển đổi số quốc gia phát triển hiệu quả, thực chất, đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực" - Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế. Cụ thể, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133; chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2024 tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194.

Cùng với đó, công nghiệp công nghệ thông tin có bước phát triển, tạo tác động lan tỏa tích cực đến nhiều ngành, lĩnh vực, với 51.000 doanh nghiệp công nghệ số và tạo 1,5 triệu việc làm. Doanh thu công nghiệp công nghệ số trong 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 118 tỉ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ hoạt động phần mềm và dịch vụ số là 6,64 tỉ USD, tăng 9,9%; xuất khẩu các sản phẩm công nghệ ước đạt 100,8 tỉ USD, tăng 18,3%; nhiều dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất, lắp ráp với giá trị hàng tỉ USD…

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng... tham quan triển lãm trong khuôn khổ của diễn đàn

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng... tham quan triển lãm trong khuôn khổ của diễn đàn

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận hiện nay, kinh tế số các ngành mới chiếm 40%, 60% là thuộc về công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông. Về lâu dài, kinh tế số các ngành phải tăng lên 70%-80%. Vì vậy, phát triển kinh tế số các ngành là câu chuyện chính của kinh tế số Việt Nam.

Tại TP HCM, theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉ trọng kinh tế số đóng góp vào GRDP năm 2023 đạt 21,5%, tăng 2,84% so với năm 2022. TP HCM thuộc nhóm 9 địa phương có tỉ trọng kinh tế số trong GRDP trên 20%.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết thành phố tiếp tục hoàn thiện kế hoạch xây dựng chính quyền số đến năm 2025. TP HCM đẩy mạnh phát triển kinh tế số với mục tiêu phấn đấu đóng góp giá trị gia tăng năm 2024 lên 22%; 25% vào năm 2025 và 40% đến năm 2030.

Theo bà Thúy, thời gian tới, TP HCM sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp như: triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số; phát triển kinh tế số có trọng tâm, trọng điểm vào 10 ngành, lĩnh vực mà thành phố có thế mạnh, làm mũi nhọn để thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế; phổ cập kinh tế số vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế và xã hội. Mục tiêu là tạo ra một nền kinh tế số bao trùm, mang lại lợi ích cho mọi người dân và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số

Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý cho hay trong giai đoạn 2019-2023, tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam bình quân 9%/năm, là mức cao so với khu vực và trên thế giới. Trong đó, một số ngành có tỉ lệ tăng trưởng năng suất lao động cao như: nông nghiệp (16%); cung cấp nước, quản lý và xử lý nước, rác thải (14%); y tế và trợ giúp xã hội (11%); tài chính (10%)...

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, lời giải cho tăng năng suất lao động của Việt Nam chính là ứng dụng công nghệ số, là chuyển đổi số toàn diện và toàn dân, là phát triển kinh tế số. "Nếu như 55 triệu người lao động Việt Nam mỗi người có một trợ lý ảo hỗ trợ công việc, năng suất lao động chắc chắn sẽ tăng" - bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết tỉnh đang hình thành khu công nghệ thông tin tập trung và trung tâm dữ liệu, nhằm thu hút đầu tư vào các sản phẩm điện tử, công nghiệp vi mạch bán dẫn, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và an ninh mạng; góp phần hình thành vùng động lực công nghệ cao kết nối với các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, Bình Dương cũng đã và đang phải đối mặt nhiều thách thức liên quan việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và nhiều vấn đề liên quan chuyển đổi số.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH, cho biết từ 15 năm trước, TH đã tiên phong ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động sản xuất và quản trị. TH đã sử dụng hệ thống chip AfiTagTM đeo ở chân bò để theo dõi sức khỏe, sản lượng sữa, thời điểm động dục, từ đó quản lý sinh sản cho bò sữa. TH còn sử dụng các phần mềm phục vụ lập khẩu phần, phối trộn chế biến và cung cấp thức ăn cho bò sữa hoàn toàn tự động bằng vi tính hóa 100%; dùng các công nghệ hàng đầu thế giới để quản lý về giống và di truyền cho bò sữa… 

Động lực chính cho tăng trưởng nhanh và bền vững

Theo Ban Tổ chức diễn đàn, tăng năng suất lao động xã hội là một trong những mục tiêu quan trọng đã được đặt ra trong các nghị quyết của Đảng. Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: Muốn phát triển bền vững, phải dựa vào nguồn lực sẵn có, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ và không có con đường nào khác là phải tăng năng suất lao động.

Do vậy, kinh tế số phải trở thành động lực chính cho tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.