Hành trình trở thành trung tâm AI, bán dẫn của khu vực

Admin

Cần sự hợp tác nhanh, mạnh, toàn diện và tận dụng lợi thế nguồn nhân lực để đưa Việt Nam vươn lên thành một quốc gia có vị thế trong phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghiệp bán dẫn.

Cách đây 25 năm, Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT FPT , doanh nhân Trương Gia Bình có một giấc mơ ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. Ông cùng cộng sự đã bắt đầu bằng con số 0.

Không thương hiệu, không vốn liếng, thậm chí là không có chút kiến thức nào về xuất khẩu phần mềm. Và đặc biệt hơn nữa là lúc đó phần lớn các đối tác mà họ gặp không biết đến Việt Nam. Nhưng sau rất nhiều nỗ lực, họ đã hiện thực hóa được giấc mơ khẳng định trí tuệ Việt Nam trên bản đồ công nghệ số thế giới. Thành tựu ấy đã được ghi nhận.

Tại cuộc gặp mặt với các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam của Thường trực Chính phủ, FPT là một trong những cái tên được nhắc đến với tư cách “doanh nghiệp dân tộc” – những tập đoàn kinh tế có quy mô lớn, giữ vai trò quan trọng, là nòng cốt, tiên phong dẫn dắt sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của Thương hiệu quốc gia.

Hành trình trở thành trung tâm AI, bán dẫn của khu vực- Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và nhiều lãnh đạo bộ, ngành chứng kiến lễ trao biên bản thỏa thuận hợp tác giữa ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT và Giáo sư Cathal Gurrin, Phó Trưởng khoa Khoa học máy tính, Giám đốc Trung tâm ADAPT, Đại học Thành phố Dublin, Ireland

Giờ đây, khi “vận nước đã đến”, ông Bình cùng cộng sự lại đang nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ lớn tiếp theo, đó là đưa Việt Nam trở thành trung tâm AI , bán dẫn của khu vực, của thế giới.

Theo ông Bình thì, động lực tăng trưởng mới, “chân trời tiếp theo” và “tầm nhìn toàn cầu” của Việt Nam đó chính là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và công nghệ AI, bán dẫn. Đây là những yếu tố then chốt để Việt Nam đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới, sánh vai các cường quốc năm châu vào năm 2045 - năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

“25 năm trước, FPT nuôi giấc mơ xuất khẩu phần mềm. Đến nay, Việt Nam đã có 1 triệu người làm việc trong lĩnh vực CNTT, phục vụ nhiều khách hàng trên toàn cầu. Hôm nay, chúng tôi nuôi một giấc mơ khác: Quốc gia AI - Việt Nam sẽ trở thành trung tâm AI, bán dẫn của khu vực. Và chúng ta sẽ có 3-5% dân số làm trong lĩnh vực AI”.

Ông Trương Gia Bình

Để hiện thực hóa giấc mơ, vận mệnh mới này, từ kinh nghiệm 25 năm đưa trí tuệ Việt Nam ra thế giới, khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình hiểu rằng, trong giai đoạn này muốn Việt Nam “không bị bỏ lại phía sau” trong các xu hướng công nghệ mới, vươn lên sánh vai cùng các cường quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực AI, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thì yếu tố tiên quyết đó là nguồn lực con người. Việt Nam cần phải có đội ngũ nhân sự công nghệ hùng hậu và tinh thông.

Đó cũng là lý do mà Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam này vừa chủ động đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao trong các lĩnh vực mới như AI, bán dẫn, vừa tìm kiếm, hiện thực hóa các cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài trong đào tạo nhân lực. Vì theo ông Bình, Việt Nam không thể đi đến đích nếu chỉ đi một mình, đặc biệt ở giai đoạn và thời cơ quan trọng này, Việt Nam cần sự hợp tác nhanh, mạnh và toàn diện với các quốc gia, nền kinh tế và các doanh nghiệp, đối tác hàng đầu thế giới về công nghệ, đào tạo nhân lực, đặc biệt trong các lĩnh vực AI, bán dẫn cũng như tận dụng lợi thế nguồn nhân lực để vươn lên thành một quốc gia có vị thế trong phát triển AI, công nghiệp bán dẫn.

Hành trình trở thành trung tâm AI, bán dẫn của khu vực- Ảnh 2.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT chia sẻ tại sự kiện FPT công bố đạt mốc doanh thu 1 tỷ USD dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài, chính thức gia nhập câu lạc bộ doanh nghiệp dịch vụ CNTT tỷ USD của thế giới

Mới đây nhất, tại sự kiện gặp gỡ giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn Đại biểu lãnh đạo cấp cao của Việt Nam với các doanh nghiệp Ireland, FPT đã công bố hợp tác với ADAPT Research Center, Đại học Thành phố Dublin, Ireland - Top 50 đại học trẻ tốt nhất thế giới và Kyndryl - Công ty Fortune 500 trong phát triển nhân lực công nghệ và thúc đẩy ứng dụng AI.

Chia sẻ về hợp tác này, ông Bình khẳng định “Chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo gắn liền với vận mệnh của FPT. Hợp tác với Đại học Thành phố Dublin mở ra chương mới trong hoạt động đào tạo kỹ sư AI của FPT. Việt Nam được chọn trở thành trung tâm bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là tương lai của thế giới. Nếu đào tạo được 1 triệu kỹ sư AI, Việt Nam sẽ thuộc nhóm quốc gia tiên tiến”.

Ông Trương Gia Bình cho rằng, đây là cơ hội ngàn năm có một mà Việt Nam không thể bỏ qua và hy vọng sẽ có nhiều cơ hội hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để Việt Nam trở thành điểm đến mới về AI, công nghiệp bán dẫn.

Trước đó, FPT cũng đã bắt tay với những “thiên tài AI” của thế giới như giáo sư Yoshua Bengio - Viện trưởng Viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới Mila, Tiến sĩ Andrew, người sáng lập và giám đốc điều hành của Landing AI để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực AI cũng như nghiên cứu phát triển công nghệ “thời thượng” này.

Không chỉ tập trung vào nhân lực, FPT cũng đã công bố khoản đầu tư dự kiến lên tới 200 triệu USD cho việc thành lập nhà máy AI (AI Factory) với NVIDIA. Nhà máy AI này được xem là có ý nghĩa rất lớn thúc đẩy kinh tế, là cú hích giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI, đón đầu xu hướng phát triển công nghệ thế giới, đưa Việt Nam trở thành cường quốc AI.

Chia sẻ về hợp tác với NVIDIA, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho biết, “25 năm trước, FPT nuôi giấc mơ xuất khẩu phần mềm. Đến nay, Việt Nam đã có 1 triệu người làm việc trong lĩnh vực CNTT, phục vụ nhiều khách hàng trên toàn cầu. Hôm nay, chúng tôi nuôi một giấc mơ khác: Quốc gia AI - Việt Nam sẽ trở thành trung tâm AI, bán dẫn của khu vực. Và chúng ta sẽ có 3-5% dân số làm trong lĩnh vực AI”.

Hiện Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực bán dẫn và FPT có kế hoạch đào tạo khoảng 20% của con số mục tiêu này, tương đương khoảng 10.000 nhân lực đến năm 2030.

Cơ sở của giấc mơ này được ông Bình lý giải dựa trên 3 yếu tố. Một là, Việt Nam hiện có 1% dân số làm trong lĩnh vực IT, nếu chuyển đổi sang nghiên cứu, phát triển AI, bán dẫn thì Việt Nam có thế tiến nhanh và xa hơn rất nhiều. Hai là, Việt Nam đã bước ra toàn cầu, đã có thương hiệu trên bản đồ công nghệ số thế giới.

Các doanh nghiệp Việt đã cung cấp giải pháp, dịch vụ CNTT ra thế giới và là đối tác chiến lược của các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực AI, bán dẫn. Ba là, dòng chảy công nghệ AI, bán dẫn với sự dẫn dắt của những tập đoàn, những chuyên gia hàng đầu đang đổ về Việt Nam và may mắn FPT đang ở trong tâm điểm của dòng chảy này.

Ông Bình cũng cho rằng, đây là cơ hội ngàn năm có một mà Việt Nam không thể bỏ qua và hy vọng sẽ có nhiều cơ hội hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để Việt Nam trở thành điểm đến mới về AI, công nghiệp bán dẫn.