Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh
Xuất khẩu gạo đang gặp thuận lợi nhất trong vòng 10 năm trở lại đây khi chỉ trong vòng nửa năm đã đạt được kim ngạch 2,3 tỷ USD, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm trước.
Giá lúa gạo tại ĐBSCL đang tăng liên tục và hiện đang ở mức 500 - 510 USD/tấn. Giá gạo Việt Nam đã đạt kỷ lục mới trong 2 năm gần đây.
Hiện giá gạo của Việt Nam cao xấp xỉ Ấn Độ, cao hơn Thái Lan. Trước ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nhiều quốc gia đang bị sụt giảm sản lượng lúa gạo, cộng với ảnh hưởng xung đột trên thế giới đã khiến việc cung ứng lúa gạo tại nhiều quốc gia bị đứt gãy.
Xuất khẩu gạo đang gặp thuận lợi nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Hiện nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường truyền thống như: Philippines, Trung Quốc và Malaysia đều tăng mạnh.
Cùng với đó, gạo xuất khẩu sang các thị trường mới như Indonesia và một vài quốc gia châu Phi tăng đột biến. Lượng xuất khẩu gạo ước đạt 4,27 triệu tấn, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước.
Giữ vững đà tăng xuất khẩu lúa gạo
Gạo là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng trong nửa đầu năm nay. Bức tranh xuất khẩu gạo có nhiều điểm sáng khi đơn hàng xuất khẩu lẫn giá bán sang các thị trường đều tăng mạnh.
Trước những thách thức của thị trường 6 tháng cuối năm, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 610 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo. Cân đối nguồn cung và có những giải pháp thay đổi công tác phát triển thị trường đang được các doanh nghiệp và cơ quan chức năng đẩy mạnh triển khai.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng sản lượng lúa năm nay ước đạt gần 43 triệu tấn. Đến nay, sản lượng lúa đã thu hoạch từ vụ lúa ông xuân và hè thu là gần 22 triệu tấn. Dự báo từ nay đến cuối năm, vụ hè thu sẽ cho trên 9 triệu tấn, vụ mùa hơn 8 triệu tấn và lúa thu đông khoảng 3,7 triệu tấn. Để đạt được các con số này, những giải pháp thích ứng với tác động của El Nino đã được đặt ra từ sớm để đảm bảo cả 2 mục tiêu là an ninh lương thực và tăng cường xuất khẩu.
"Chúng tôi đi từng địa phương để khảo sát, đánh giá nguồn nước cụ thể, trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch sản xuất cho vụ tiếp theo. Xác định El Nino và xâm nhập hạn mặn, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch sản xuất một cách linh động và phù hợp", ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay.
Trên tinh thần Công điện của Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, các tỉnh trọng điểm lúa gạo và Hiệp hội Lương thực Việt Nam sẽ có sự phối hợp đồng bộ triển khai.
Thực tế những tháng đầu năm cho thấy, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường đòi hỏi hoạt động sản xuất, xuất khẩu lương thực, thực phẩm, trong đó mặt hàng gạo phải linh hoạt, hiệu quả hơn.
"Chủ yếu giữ đà xuất khẩu, đảm bảo chất lượng đồng bộ của hạt gạo và tiếp tục có phương án cạnh tranh với các nước khác khi các nước dỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhận định.
6 tháng đầu năm, việc tập trung thay đổi chuyển từ số lượng sang nâng cao chất lượng, tăng tỷ lệ gạo hữu cơ, gạo bổ sung vi chất... đã giúp có loại gạo Việt chạm mức 1.200 USD/tấn. Giá trung bình của hạt gạo đã tăng lên 540 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan và Ấn độ từ 10 - 50 USD/tấn.
Mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo với kim ngạch kỷ lục là 5 tỷ USD được dự báo là khả thi khi nhiều nước trên thế giới có xu hướng tăng lượng dự trữ trong bối cảnh El Nino tác động toàn cầu.
Cơ hội thúc đẩy xuất khẩu gạo chất lượng cao
Trước mắt trong giai đoạn 6 tháng cuối năm, việc xuất khẩu vẫn được đánh giá tương đối tích cực do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm do tác động của El Nino. Chính vì vậy, các giải pháp cân đối nguồn cung theo hướng tăng chất, giảm lượng, phát triển thị trường đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các hiệp hội, doanh nghiệp đưa ra thảo luận.
Hỗ trợ vốn để thu mua và chế biến lúa gạo là vấn đề hàng đầu được các doanh nghiệp đề xuất. Theo đó, gạo qua chế biến chiếm đến 70% tổng nhu cầu lúa gạo nhưng số doanh nghiệp được vay vốn trung - dài hạn chưa nhiều, chủ yếu là vốn ngắn hạn để thu mua khi vào vụ.
"Các doanh nghiệp bắt buộc phải mua lúa để xuất khẩu, dẫn đến 2 áp lực, một là phải trả tiền mua lúa, hai là lãi suất cao, dẫn đến không còn lợi nhuận, khiến các doanh nghiệp lúa gạo không bền vững", ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn Lộc Trời, cho biết.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước đảm bảo nguồn tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Có vốn, các công tác nghiên cứu, phát triển giống lúa chất lượng cao, chế biến sâu sẽ được đầu tư, tạo ra cơ hội gia tăng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao, giảm tỷ trọng gạo thường chất lượng thấp.
Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch vụ lúa Đông Xuân. (Ảnh: Báo Tin tức)
"Tiếp tục tái cơ cấu theo hướng gia tăng chất lượng hạt gạo, thay vì đẩy mạnh xuất khẩu các loại gạo trắng, chất lượng thấp. Chúng ta thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thị trường Trung Quốc cũng rất tiềm năng cho loại gạo chất lượng cao", ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.
Bên cạnh các giải pháp ngắn hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng định hướng đẩy mạnh các dự án phát triển bền vững, như dự án 1 triệu ha lúa phát thải thấp tại ĐBSCL đến năm 2030, hình thành các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao hướng đến thị trường xuất khẩu.
"Tập huấn cán bộ chủ chốt ở các hợp tác xã. Ưu tiên hợp tác xã gắn với doanh nghiệp. Có một doanh nghiệp lớn hỗ trợ hợp tác xã đi ra thị trường trong nước và ngoài nước", ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, thông tin.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết sẽ sớm trình Chính phủ ban hành Đề án về phát triển hệ thống logistics cho nông sản Việt Nam, xây dựng hệ thống vận tải chủ động hoàn toàn nhằm giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho lúa gạo Việt.