TS.BS Phạm Thị Lệ Quyên, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết các hạt bụi mịn có khả năng xâm nhập sâu vào đường thở, thậm chí đi qua phế nang vào máu, làm suy giảm khả năng bảo vệ tự nhiên của phổi. Sau khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm, cơ thể có thể xuất hiện triệu chứng cấp tính như kích ứng đường thở gây ho, ngứa họng, rát họng, chảy nước mũi hoặc hắt hơi. Đồng thời, chất ô nhiễm gây viêm niêm mạc đường hô hấp, kích hoạt cơn co thắt phế quản, dẫn đến khó thở, cảm giác nặng ngực. Cơ thể cũng phản ứng bằng cách tăng tiết dịch nhầy để cố gắng loại bỏ tác nhân xâm nhập.
Tiếp xúc kéo dài với không khí ô nhiễm trong vài ngày đến vài tuần có thể làm trầm trọng thêm bệnh hô hấp mạn tính sẵn có, gây ra đợt cấp nguy hiểm. Hệ miễn dịch của phổi có thể suy yếu, khiến cơ thể dễ bị tấn công bởi virus và vi khuẩn hơn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản, viêm phổi.

Không khí ô nhiễm dễ gây tổn thương hệ hô hấp nếu tiếp xúc thường xuyên. Ảnh: Minh Đức
Theo bác sĩ Quyên, người sống trong môi trường ô nhiễm không khí trong thời gian dài có thể bị viêm mạn tính, dẫn đến suy giảm chức năng phổi. Đây là yếu tố nguy cơ thúc đẩy hoặc làm nặng thêm các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn. Tổn thương cấu trúc phổi do ô nhiễm kéo dài có thể dẫn đến xơ hóa phổi. Bụi mịn PM2.5 còn làm gia tăng nguy cơ ung thư phổi.
Mức độ ảnh hưởng của không khí ô nhiễm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nồng độ, loại chất ô nhiễm, thời gian, tần suất tiếp xúc, cơ địa từng người. Trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh nền hô hấp hoặc tim mạch dễ bị tổn thương vì ô nhiễm không khí.
Bác sĩ Quyên khuyến cáo mọi người hạn chế tối đa tiếp xúc với không khí ô nhiễm, thường xuyên theo dõi chỉ số chất lượng không khí (AQI), tránh các hoạt động ngoài trời vào những ngày chỉ số ở mức xấu. Gia đình giữ cửa nhà sạch sẽ, sử dụng máy lọc không khí có màng lọc HEPA, đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn khi ra ngoài. Tránh đến khu vực ô nhiễm như công trường xây dựng.
Nếu ho dai dẳng, khó thở tăng dần, đau ngực hoặc các triệu chứng bất thường, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Người mắc bệnh hô hấp mạn tính cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.
Tuấn Đạt
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |