ĐHCĐ Vinaconex: Khởi công dự án trên "đất vàng" thủ đô, sẵn sàng làm đường sắt tốc độ cao, chuẩn bị nguồn lực tham gia lĩnh vực điện hạt nhân

Admin

Sáng 21/04, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 với nhiều nội dung quan trọng.

Báo cáo tại ĐHCĐ, Ban lãnh đạo cho biết trong năm 2024, Vinaconex ghi nhận doanh thu hợp nhất 13.176 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2023, đạt 88% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.108 tỷ đồng, tăng mạnh 180% và vượt 17% kế hoạch – mức cao nhất trong vòng 4 năm.

Trong năm 2024, các dự án bất động sản tiếp tục được triển khai hiệu quả, trong đó có 93 Láng Hạ (đã bàn giao), Vinaconex Diamond Tower, An Khánh, Km3-Km4 Hải Yên, Cát Bà Amatina...

Năm 2025, tổng công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 15.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18%. Lợi nhuận sau thuế 1.200 tỷ đồng, cao hơn 8% so với con số thực hiện năm 2024. Tỷ lệ cổ tức duy trì 16%.

Trong năm 2025, Công ty đặt mục tiêu bất động sản tiếp tục giữ vai trò trung tâm trong chiến lược phát triển của Vinaconex, đóng góp khoảng 70–75% lợi nhuận hợp nhất theo ước tính của Ban điều hành. Các dự án trọng điểm như khu đô thị Hải Yên đã bán và hạch toán toàn bộ, trong khi văn phòng Chợ Mơ – Bạch Mai đã mở bán 13/20 sàn, với 9–10 sàn đã có khách mua.

Dự án Capital One (Kim Văn – Kim Lũ) cũng sẽ chính thức khởi công vào ngày 22/4, với định hướng sản phẩm tương đồng Chợ Mơ, cho phép tách sổ bán từng sàn, và được kỳ vọng sẽ chủ động về pháp lý cũng như tiến độ tiêu thụ.

Phó Tổng Giám đốc Dương Văn Mậu ước tính lợi nhuận từ dự án này năm nay có thể đạt khoảng 200 tỷ đồng, và nếu tiêu thụ hết toàn bộ có thể thu về gấp đôi.

Trong chiến lược dài hạn, Vinaconex đẩy mạnh phát triển bất động sản khu đô thị, nghỉ dưỡng và khu công nghiệp. Các dự án đang được triển khai gồm: Chợ Mơ – Bạch Mai, Đại lộ Hòa Bình (TP Móng Cái), ITC (Bà Rịa – Vũng Tàu), Amatina (Hải Phòng) và hai khu đô thị Ngân Câu và Thiên Ân (Quảng Nam – Đà Nẵng).

Vinaconex cũng định hướng mở rộng sang các lĩnh vực chiến lược như phát triển Khu công nghiệp Đông Anh – một trong những khu vực có tiềm năng thu hút FDI lớn nhất Hà Nội. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 6.000 tỷ đồng, hiện đang thực hiện quy hoạch và sẽ bắt đầu đền bù giải phóng mặt bằng trong 2 năm tới.

Trong dài hạn, công ty cũng tham gia đào tạo nhân lực để sẵn sàng cho các dự án hạ tầng trọng điểm như đường sắt tốc độ cao, và bước đầu tiếp cận lĩnh vực điện hạt nhân với chiến lược thận trọng.

Về kết quả quý 1/2025, báo cáo tại ĐHCĐ Tổng Giám đốc Vinaconex Nguyễn Xuân Đông cho biết doanh thu hợp nhất ước đạt gần 2,600 tỷ đồng, tương đương 17% kế hoạch quý. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất khoảng 150 tỷ đồng, đạt 13% kế hoạch. Riêng công ty mẹ, doanh thu ước khoảng 2,062 tỷ đồng, bằng 18% kế hoạch, còn lợi nhuận sau thuế đạt hơn 250 tỷ đồng, đạt 25% so với kế hoạch.

Về dự án Cát Bà Amatina, ông Đông cũng cho biết hiện tại Vinaconex ITC - đơn vị thành viên của Vinaconex - chưa ký chính thức với bất kỳ đối tác nào. Tuy nhiên, công ty khẳng định là "đã có đối tác" và đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết.

Về cổ tức, năm 2024, cổ tức được chia tổng tỷ lệ 16%, trong đó 8% bằng tiền mặt và 8% bằng cổ phiếu. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2021, cổ đông nhận được cổ tức tiền mặt sau hai năm gián đoạn. Tổng giá trị chi trả cổ tức khoảng 479 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn nhất là Pacific Holdings sẽ nhận hơn 216 tỷ đồng.

Tại Đại hội, cổ đông đã thông qua việc miễn nhiệm ông Đào Ngọc Thanh và bà Trần Thị Thu Hồng khỏi HĐQT. Ông Thanh – nguyên Chủ tịch – sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng chiến lược mới. HĐQT nhất trí bầu ông Nguyễn Hữu Tới – hiện là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc – giữ chức Chủ tịch HĐQT mới.

Pacific Holdings, cổ đông lớn nhất của Vinaconex, đã đề cử ông Trần Đình Tuấn và ông Lê Minh Tú vào HĐQT. Trong đó, ông Tú được giới thiệu cho vị trí thành viên độc lập. Cả hai ứng viên đều có kinh nghiệm sâu trong quản lý và phát triển dự án, với nhiều năm công tác tại các đơn vị thành viên trong hệ sinh thái Vinaconex