Chung tay phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Admin

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến bước tiến đáng kể trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, với sự góp sức của tất cả các bên liên quan trong hệ sinh thái tài chính - ngân hàng.

Chung tay phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam- Ảnh 1.

Mới đây, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã tổ chức thành công Hội nghị khách hàng 2024 tại Phú Quốc. Sự kiện là dịp để NAPAS tri ân và vinh danh các Tổ chức Thành viên (TCTV) là các đơn vị Trung gian Thanh toán (TGTT) đã có những đóng góp quan trọng đối với NAPAS trong năm qua, góp phần hiệu quả vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, hướng đến mục tiêu chung "Vì một xã hội không tiền mặt".

Tại Hội nghị, NAPAS đã tổng kết, đánh giá một số kết quả đáng khích lệ của công ty và các đơn vị TGTT đã đạt được trong thời gian qua trước bối cảnh các thách thức ngày càng gia tăng. Theo số liệu thống kê của NHNN, 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 60% về số lượng và 35% về giá trị.

Trong xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ của thanh toán điện tử những năm gần đây, hệ sinh thái TGTT được ghi nhận về sự nỗ lực trong triển khai các sản phẩm, dịch vụ với nhiều tính năng thanh toán mới, nâng cao trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu của khách hàng như chuyển tiền, thanh toán trực tuyến, giao dịch tài chính...Theo đó, một trong những dịch vụ điển hình do NAPAS hợp tác triển khai với TGTT là dịch vụ Thanh toán trực tuyến tiếp tục có sự tăng trưởng nhanh chóng, dự kiến tăng 52% về số lượng giao dịch và 20% về giá trị giao dịch so với năm 2023. Qua đó cũng phản ánh thói quen mua hàng và thanh toán trực tuyến của người dân ngày càng tăng lên.

Phát biểu tại Hội nghị Khách hàng 2024, ông Nguyễn Quang Hưng – Chủ tịch HĐQT - NAPAS nhấn mạnh: "Trong thời gian qua, sự hợp tác bền chặt của các TCTV là yếu tố quan trọng mang lại thành công chung cho sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Trước những cơ hội và thách thức liên quan đến sự thay đổi về cơ sở pháp lý tại Nghị định 52 quy định hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vừa được Chính phủ ban hành gần đây, NAPAS luôn sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật và phối hợp với các TGTT để tiếp tục triển khai, mở rộng tính năng sản phẩm, dịch vụ. Trên cơ sở đó, các bên sẽ cùng nhau tạo ra các cơ hội mới góp phần tạo nên sự phát triển bền vững của thị trường thanh toán, hướng tới thực hiện các mục tiêu của chiến lược chuyển đổi số quốc gia".

Cũng trong khuôn khổ của hội nghị, NAPAS đã tổ chức Lễ vinh danh các hạng mục giải thưởng cho các đơn vị TGTT xuất sắc. Trong đó, Viettel Digital được Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) vinh danh là “Trung gian thanh toán Bạch kim” với sản phẩm Viettel Money.

Viettel Money, với khả năng phục vụ đa dạng các nhu cầu thanh toán, đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam. Sản phẩm Viettel Money đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, từ việc chuyển và nhận tiền, thanh toán hóa đơn tiện ích cho đến các dịch vụ tài chính như vay và đầu tư. Điều này không chỉ gia tăng trải nghiệm người dùng mà còn thể hiện cam kết của Viettel Digital trong việc đóng góp vào mục tiêu chung của chuyển đổi số kinh tế - xã hội.

Chung tay phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam- Ảnh 2.

Viettel Digital được NAPAS vinh danh ‘Trung gian thanh toán Bạch kim’

Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đặt ra những thách thức mới về an ninh mạng và bảo mật thông tin. Viettel Digital đã chủ động triển khai giải pháp xác thực sinh trắc học, một bước đi quan trọng để nâng cao sự an toàn trong giao dịch số. Điều này không chỉ giúp bảo vệ khách hàng khỏi các nguy cơ gian lận mà còn nâng cao uy tín và chất lượng dịch vụ của Viettel Money.

Các tiến bộ về thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam là kết quả từ sự đồng lòng của cả cộng đồng doanh nghiệp tài chính - ngân hàng trong việc hướng tới một tương lai không tiền mặt. Bằng việc tôn vinh những đóng góp của các đơn vị, NAPAS đã  khích lệ sự sáng tạo và đổi mới trong ngành. Với sự hợp tác chặt chẽ giữa các ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán và cơ quan quản lý, Việt Nam đang tiến xa hơn trong việc phổ cập các dịch vụ tài chính số, góp phần vào mục tiêu chung xây dựng một nền kinh tế số vững mạnh.