Tập làm văn không chỉ là một môn học trong chương trình giáo dục, mà còn là một sân chơi sáng tạo, nơi học sinh có thể thỏa sức phát huy khả năng ngôn từ và trí tưởng tượng phong phú của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào những bài viết ấy cũng đạt được độ chín muồi cần thiết. Thay vào đó, nhiều em học sinh lại thể hiện sự hài hước một cách ngây ngô, dẫn đến những bài viết "dở khóc, dở cười", trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội và thu hút sự chú ý của nhiều người.
Đơn cử như bài văn tả con vật yêu thích nhất của một bé lớp 6 bị cô giáo chấm 0 điểm thẳng tay đã từng gây xôn xao thời gian trước, nay bỗng viral trở lại và lần nào cũng lấy đi tiếng cười như nắc nẻ của bao người.
Theo đó, khi được cô giáo giao bài làm văn với chủ đề trên, học sinh này đã lựa chọn con trâu là đối tượng xuất hiện xuyên suốt tác phẩm của mình. Cụ thể bé lớp 6 đã miêu tả như sau:
"Nhà em có nuôi 1 con trâu, nó thật đáng yêu. Nó đã hơn 1 tháng tuổi và thật dễ thương. Nó cũng rất lớn đấy, tầm khoảng 7 cân rồi đó. Hằng ngày mẹ thích xích nó vào cái ghế. Nó cứ hay đòi ăn, kêu chút chút. Trên đầu nó có 1 bông hoa nhìn rất xinh xinh. Đôi mắt nó rất sáng, khuôn mặt nó tròn vo. Thấy em đi học về nó cứ nhảy lên lưng em. Em thường hay ngủ với nó. Em rất yêu con trâu nhà em vì nó là thú cưng của em".
Không chỉ cô giáo, mà có lẽ ai đọc xong bài văn này cũng sẽ vừa sốc vừa buồn cười. Thậm chí, một số dân tình còn nghi ngờ không biết bé học sinh này có tả lộn con vật nào không, vì con trâu này lạ quá, làm gì có thật ngoài đời. Bảo sao cô giáo sau khi nhận được sản phẩm của nhóc tỳ, liền cho “quả trứng gà” tròn trĩnh, đến mức cô còn phải viết lời phê tỏ rõ sự bất lực trước bài văn quá bá đạo của học sinh: "Cô dám khẳng định em chưa thấy con trâu ngoài đời bao giờ".
Mặc dù, bài văn của đứa trẻ có nhiều điểm vô lý với thực tế, nhưng quả thật tác phẩm này lại có giá trị về mặt giải trí khá cao, nhiều người được phen cười ngất trước những câu từ ngô nghê, hồn nhiên của bạn nhỏ. Xét về nội dung là chưa đạt yêu cầu, và việc cô giáo cho điểm thấp cũng không có gì khó hiểu, tuy nhiên cần ghi nhận sự sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú của nhóc học sinh.
Ở độ tuổi này, điều đó nên được kích thích. Dẫu không biết thực hư bài văn trên như thế nào, nhưng trong hoàn cảnh này thì cô giáo có lẽ nên hướng dẫn, góp ý để học sinh có cơ hội điều chỉnh cách viết của mình sao cho phù hợp hơn.
Trẻ học văn, nhất là văn tả ngoài tính chính xác cũng cần rèn luyện khả năng tư duy thông minh và trí tưởng tượng phong phú mới tạo nên một bài văn hay. Chính vì thế, để góp phần giúp con học tốt môn văn, bố mẹ cần giúp con phát huy khả năng tư duy và trí tưởng tượng phong phú thông qua:
- Đọc sách và kể chuyện cho con nghe
Đọc sách và kể chuyện là cách tuyệt vời để khơi gợi trí tưởng tượng và phát triển khả năng ngôn ngữ cho con. Bố mẹ có thể chọn các tác phẩm phù hợp với độ tuổi và sở thích của con, cùng thảo luận về nội dung và khuyến khích con đưa ra ý kiến của mình.
Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể để con tự chọn một số câu chuyện để đọc hoặc kế lại, như vậy thì có thể giúp con rèn luyện khả năng ghi nhớ, sự tự tin và tư duy sáng tạo.
- Cung cấp đồ chơi và dụng cụ sáng tạo
Cung cấp đồ chơi và dụng cụ sáng tạo là một trong những cách tuyệt vời nhất, để giúp con phát triển khả năng sáng tạo và tư duy logic. Bố mẹ có thể cung cấp cho con các loại đồ chơi và dụng cụ sáng tạo như lego, mô hình giấy, bút chì, màu vẽ, xếp hình, mô hình khoa học...
Khi con được cung cấp đồ chơi và dụng cụ sáng tạo, con sẽ được khuyến khích để khám phá sơ đồ, tự tạo ra các mô hình, bức tranh hay giải các câu đố, từ đó giúp con rèn luyện khả năng tư duy, khả năng giải quyết vấn đề và đồng thời kích thích trí não phát triển.
- Khuyến khích con tham gia hoạt động nghệ thuật, thể thao và các hoạt động xã hội
Tham gia hoạt động nghệ thuật và thể thao không chỉ giúp trẻ phát triển kỹ năng về nghệ thuật và thể chất, mà còn giúp khơi gợi sự sáng tạo và khả năng tư duy vượt trội của trẻ.
Bên cạnh đó, việc khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động xã hội như tình nguyện, giúp đỡ người khác, tham gia các câu lạc bộ và nhóm học tập... cũng là phương pháp hiệu quả để trẻ có cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp, trau dồi kiến thức và khơi gợi sự sáng tạo của mình.
- Không giới hạn con trong tưởng tượng
Bố mẹ cần đồng hành và không giới hạn trẻ trong tưởng tượng, tạo điều kiện, môi trường và cho phép con tự thực hiện ý tưởng, cũng như suy nghĩ của mình một cách tự nhiên và thoải mái nhất.
Khi trẻ được khuyến khích tưởng tượng, trẻ có thể tìm thấy chính xác và khám phá thế giới xung quanh bằng con đường sáng tạo hơn.