7 kiểu nuôi dạy con 'độc lạ' trên thế giới

Admin

Nuôi dạy con không có quy tắc chung mà có sự khác nhau lớn giữa các nền văn hóa. Theo Business Insider, dưới đây là 7 cách nuôi con độc đáo từ các nước khác nhau trên thế giới.

nuoi day con doc dao anh 1

1. Độc lập từ nhỏ: Ở Nhật Bản, trẻ em 6 tuổi đã tự đi học hoặc chạy đi mua đồ lặt vặt mà không cần bố mẹ giám sát, ngay cả ở thành phố đông đúc như Tokyo. Tỷ lệ tội phạm của đất nước này cực kỳ thấp và những người khác trong cộng đồng đều sẵn sàng giúp đỡ trẻ nhỏ. Trẻ em Nhật không cần người đi cùng đến trường, không cần ai dọn dẹp hộ ở bất kỳ đâu. Ngay từ lớp 1, học sinh Nhật đã quét lớp, lau hành lang và làm sạch nhà vệ sinh của trường. Ảnh: Freepik.

nuoi day con doc dao anh 2

2. Tập đi vệ sinh từ nhỏ: Trẻ em Trung Quốc được dạy đi vệ sinh vào bô theo tiếng huýt sáo của cha mẹ. Việc này có thể bắt đầu khi chúng chỉ mới vài tháng tuổi. Rất nhiều trẻ đã thành thạo việc tự đi vệ sinh ở tuổi lên 2. Ảnh: Freepik.

nuoi day con doc dao anh 3

3. Trẻ em được phép uống rượu: Ở Italy, trong bữa ăn tối, trẻ em cũng được nhấm nháp một ly rượu vang đỏ như cha mẹ của mình. Theo một nghiên cứu, việc tiếp xúc sớm với rượu vang trong một môi trường gia đình lành mạnh có thể giúp trẻ hình thành thói quen uống rượu có trách nhiệm khi trưởng thành. Thú vị hơn, văn hóa rượu vang ở Italy được đưa vào chương trình học ngay từ cấp tiểu học, giúp trẻ em hiểu sâu hơn về truyền thống của đất nước. Ảnh: Freepik.

nuoi day con doc dao anh 4

4. Nuôi dạy cộng đồng: Tại nhiều nơi ở châu Phi, văn hóa nuôi dạy con mang đậm nét đặc trưng của cộng đồng. Toàn bộ gia đình và dòng họ/bộ tộc đều chung trách nhiệm nuôi dạy một đứa trẻ, thậm chí cả những người không có quan hệ ruột thịt cũng sẵn sàng giúp đỡ. Rất nhiều bà mẹ cho trẻ không phải con mình bú. Thậm chí tại bộ tộc Aka Pygmy ở Trung Phi, đàn ông có khả năng cho con bú như phụ nữ. Ảnh: Freepik.

nuoi day con doc dao anh 5

5. Dành ít thời gian cho lớp học: Học sinh Phần Lan được xếp hạng là những người thông minh nhất thế giới - họ liên tục đứng đầu hoặc gần đầu bảng xếp hạng của OECD về Toán học, Khoa học và Đọc. Thế nhưng, trẻ em Phần Lan lại đi học muộn, ở tuổi lên 7. Trước tuổi này, trẻ em được kỳ vọng "chơi và vận động thể chất". Lượng bài tập về nhà cũng rất ít và kỳ nghỉ dài - lên tới 11 tuần - nhưng hệ thống giáo dục Phần Lan vẫn thường xuyên được xếp hạng trong số tốt nhất thế giới. Ảnh: Freepik.

nuoi day con doc dao anh 6

6. Dành nhiều thời gian cho du lịch: Có một truyền thống lâu đời ở Anh và nhiều quốc gia khác là dành một năm trống giữa trung học và đại học để đi du lịch. Một thống kê vào năm 2017 chỉ ra ở Anh, có 230.000 sinh viên từ 18 đến 25 tuổi đã nghỉ một năm để du lịch, làm việc và tình nguyện. Ảnh: Freepik.

nuoi day con doc dao anh 7

7. Trẻ ngủ ngoài trời, kể cả mùa đông: Trẻ em Scandinavi được nuôi dưỡng dựa trên nền tảng “friluftsliv” (cuộc sống tràn ngập khí trời - PV). Không có gì bất thường khi thấy trẻ sơ sinh Scandinavi ngủ ngoài trời trong xe đẩy, không người trông coi, ngay cả trong mùa đông. Theo New York Times, một số phụ huynh Scandinavi thậm chí còn bị bắt giữ tại Mỹ vì thói quen phổ biến này. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh ở các nước Bắc Âu vẫn tin rằng ngủ ngoài trời giúp trẻ khỏe mạnh hơn. Ảnh: Freepik.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.