Người mẹ thứ hai của những em nhỏ kém may mắn

Admin

(Chinhphu.vn) - Cô Đào Thị Huế luôn tâm niệm rằng, mỗi đứa trẻ bị khiếm khuyết vẫn còn có những khả năng riêng biệt. Điều quan trọng là gia đình, thầy cô có sự nhìn nhận và đặt kỳ vọng vào đúng với khả năng của trẻ để giúp trẻ phát triển và hòa nhập cộng đồng.

Người mẹ thứ hai của những em nhỏ kém may mắn- Ảnh 1.

Cô Đào Thị Huế, giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng, chia sẻ tại buổi gặp mặt giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu trên toàn quốc nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 - Ảnh: VGP

"Đối với giáo viên, thật hạnh phúc khi học trò của mình giỏi giang, chăm ngoan và có thể đạt được thành tích cao trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế.

Còn đối với người thầy dạy những đứa trẻ em khuyết tật như chúng tôi thì hạnh phúc là khi các em tới trường có thể thực hiện được những kỹ năng sống hằng ngày, tự mặc quần áo, tự xúc cơm ăn, biết chào cô, biết nhận ra lớp của mình, viết được những dòng chữ vụng về trên tấm thiếp tặng cô ngày 20/11…"

Cô Đào Thị Huế (sinh năm 1987), giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đã khiến cả hội trường xúc động với những chia sẻ của mình, tại buổi gặp mặt giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu trên toàn quốc nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, diễn ra mấy ngày trước.

Là giáo viên có nhiều thành tích và nhiều sáng kiến trong công tác, cô Đào Thị Huế được Bộ GD&ĐT vinh danh là nhà giáo tiêu biểu của TP. Hải Phòng. Trong 14 năm công tác tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng, cô Huế là giáo viên luôn tâm huyết, gắn bó với nghề, có nhiều đóng góp cho công tác chuyên môn của nhà trường, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục học sinh khuyết tật trí tuệ, tự kỷ, khuyết tật học tập…

Người mẹ thứ hai của những em nhỏ kém may mắn- Ảnh 2.

Cô Huế cùng các học trò - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Được đào tạo chính quy về Giáo dục đặc biệt, cô Huế là một trong những giáo viên ở giai đoạn đầu tiên khi nhà trường mở thêm lớp học cho học sinh khuyết tật trí tuệ.

"Từ những ngày đầu khi cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ chưa phải là mảng chuyên môn chính của nhà trường… Bên cạnh đó, nhiều học sinh bị khuyết tật nặng, có những học sinh chưa tự chủ được vệ sinh, chưa có những kỹ năng giao tiếp, tự phục vụ cơ bản. Khi đó, là một giáo viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm công tác, tôi đã gặp rất nhiều áp lực, khó khăn, cũng có lúc thấy mệt mỏi, bế tắc nhưng chưa khi nào tôi có ý nghĩ sẽ bỏ các học sinh của mình để tìm một công việc dễ dàng, thuận lợi hơn", cô Huế chia sẻ.

Vượt qua khó khăn của những ngày đầu tiên, cô Đào Thị Huế đã tích cực nghiên cứu tài liệu, phát huy những kiến thức đã được đào tạo, tìm hiểu cặn kẽ từng đặc điểm của học sinh, áp dụng các phương pháp khác nhau để tìm ra phương thức giáo dục phù hợp nhất với từng em.

"Càng ngày, tôi càng thấy gắn bó với các em, thấy yêu ngôi trường của mình hơn. Có nhiều phụ huynh biết đến trường hơn, nhiều học sinh khuyết tật trí tuệ được đến trường và hiện tại, số lớp dành cho học sinh khuyết tật trí tuệ của nhà trường tăng từ 3 lớp lên 8 lớp", cô Huế cho biết.

Người mẹ thứ hai của những em nhỏ kém may mắn- Ảnh 3.

Để rèn được một kỹ năng cho các em là cả một quá trình cần sự kiên trì, nhẫn nại, từng bước nhỏ, từ ngày này sang ngày ngày khác, từ tháng này sang tháng khác của cô Huế cùng các đồng nghiệp của mình - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Kiên trì, nhẫn nại từng tháng, từng ngày

Là giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy các em học sinh khuyết tật trí tuệ, cô Huế luôn tích cực đổi mới phương pháp, điều chỉnh nội dung để phù hợp với từng học sinh.

Các lớp học sinh Khối Khuyết tật trí tuệ gồm nhiều dạng khuyết tật khác nhau, có em bị khuyết tật trí tuệ, em bị down, tự kỷ, tăng động, có em bị khuyết tật học tập. Mỗi dạng khuyết tật lại có đặc điểm điển hình riêng.

"Khi vào trường, có những em có thể học đọc, học viết nhưng cũng rất nhiều em phải học từ những bài đầu tiên là nhận biết được cô giáo, lớp học của mình, là rửa tay cho sạch, tự mặc quần áo, đi giày dép… Đối với các em, đó cũng là cả một quá trình rèn luyện và cần đến những người thầy, người cô hướng dẫn", cô Huế kể lại.

Để rèn được một kỹ năng cho các em là cả một quá trình cần sự kiên trì, nhẫn nại, từng bước nhỏ, từ ngày này sang ngày ngày khác, từ tháng này sang tháng khác của cô Huế cùng các đồng nghiệp của mình. Trong một lớp học 15 học trò, giáo viên phải thực sự hiểu rõ từng học sinh mới có thể có biện pháp can thiệp hiệu quả bởi mỗi trò là một đặc điểm, trình độ, hành vi hoàn toàn khác nhau.

"Có những em cứ ngồi học được vài phút là lại cho chân vào ngăn bàn hay chỉ cần hé cửa là chạy ra khỏi lớp. Có những em bị rối loạn cảm xúc, lúc khóc, lúc cười. Trẻ tự kỷ hay gặp vấn đề về rối loạn cảm giác, cảm xúc. Có những em thích được ôm ấp, vuốt ve; có những em khi cáu giận lại la hét, đập bàn, cắn cô, cắn bạn hay tự làm đau chính mình. Những lúc như thế, cô giáo không thể quát mắng, trách phạt mà phải tìm hiểu em học sinh đó đang muốn điều gì, rồi đáp ứng yêu cầu hay lại gần xoa dịu, cũng có thể là cho em ấy một đồ vật yêu thích, hay một không gian em có cảm giác an toàn, thậm chí là ra sân cỏ cùng chạy với học sinh vài vòng để giải toả năng lượng…", cô Đào Thị Huế chia sẻ.

Người mẹ thứ hai của những em nhỏ kém may mắn- Ảnh 4.

Cô Đào Thị Huế nhận danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu năm 2024 - Ảnh do nhân vật cung cấp

Kể về một kỷ niệm đáng nhớ nhất, cô Huế nhớ lại câu chuyện của một học trò mắc hội chứng down.

"Khi phụ huynh đưa trẻ đến trường, do đặt quá nhiều kỳ vọng về con, mong con có thể học viết, học văn hóa nhưng thấy con tiến triển chậm nên nản, muốn xin cho con nghỉ học. Khi đó tôi đã động viên gia đình, giải thích rằng các con dù khiếm khuyết nhưng cũng có những điểm mạnh của mình".

Khi dạy học sinh này, cô Huế nhận ra em có năng khiếu múa rất dẻo và bắt chước rất tốt. Từ đó, cô Huế đã xin phép lãnh đạo trường thành lập một nhóm văn nghệ của trường và dạy múa cho các con. Từ một cô bé nhút nhát, em đã có thể tự tin biểu diễn một bài múa trước mọi người trong lễ khai giảng của trường. Sau đó, đội văn nghệ tham giai giải văn nghệ dành cho khối chuyên biệt toàn quốc và đã đoạt giải.

"Khi mang giải thưởng về cho phụ huynh của em học sinh, phụ huynh rất cảm động và bất ngờ, không nghĩ con mình có thể tự tin đứng trước đám đông và đoạt giải thưởng trong cuộc thi như vậy", cô Huế vui vẻ kể lại và cho rằng, mỗi đứa trẻ bị khiếm khuyết vẫn còn có những khả năng riêng biệt, không phải là bỏ đi hoàn toàn. Điều quan trọng là gia đình, thầy cô có sự nhìn nhận đúng và đặt kỳ vọng vào đúng với khả năng của trẻ để giúp trẻ phát triển và hòa nhập cộng đồng.

"Tôi luôn tin rằng, nếu tôi được lựa chọn lại nghề nghiệp của mình, tôi cũng sẽ vẫn luôn chọn những đứa trẻ khuyết tật làm học trò. Tôi cũng luôn tin, luôn mong vào một tương lai tươi sáng hơn cho những học trò của mình", cô Đào Thị Huế trải lòng.

Là một trong những giáo viên cốt cán của nhà trường, cô Huế cũng tham gia hướng dẫn nhiều đoàn sinh viên thực tập Khoa Giáo dục đặc biệt - Đại học Sư phạm Hà Nội đạt hiệu quả, chất lượng cao.

Cô cũng có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm trong giảng dạy, đổi mới phương pháp dạy học cũng như chăm sóc hỗ trợ học sinh khuyết tật trí tuệ được đánh giá cao, áp dụng hiệu quả như: sáng kiến về quản lý hành vi cho học sinh tự kỷ; sáng kiến phát triển ngôn ngữ cho học sinh khuyết tật trí tuệ; sáng kiến dạy kỹ năng sống cho học sinh khuyết tật…

Ngoài ra, với vai trò là Chủ tịch Công đoàn nhà trường, cô cũng dành thời gian chăm lo tới đời sống của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường…

Anh Thơ

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tôn vinh các Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú và Nhà giáo tiêu biểu năm 2024Tôn vinh các Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú và Nhà giáo tiêu biểu năm 2024
Tham khảo thêm
Tuyên dương 99 nhà giáo trẻ tiêu biểu - những ‘hạt nhân’ tiên phong, truyền cảm hứng và động lực cho học sinh, sinh viênTuyên dương 99 nhà giáo trẻ tiêu biểu - những ‘hạt nhân’ tiên phong, truyền cảm hứng và động lực cho học sinh, sinh viên