7 hiểu lầm về bệnh sởi ở người lớn

Admin

Người lớn không mắc sởi, bệnh không quá nguy hiểm, đã nhiễm sởi không cần tiêm vaccine là hiểu lầm nhiều người mắc phải.

Theo TS.BS Lê Tiến Luật, khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, virus sởi lây qua đường không khí, giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở đường hô hấp. Bệnh có thể biến chứng song nhiều người lớn còn hiểu sai dẫn đến phòng ngừa, chăm sóc, điều trị không đúng cách, nguy cơ trở nặng cao. Các hiểu nhầm như sau:

Người lớn không mắc sởi

Sởi có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không chỉ trẻ em. Người lớn chưa tiêm vaccine hoặc chưa từng mắc sởi có nguy cơ mắc bệnh rất cao nếu tiếp xúc nguồn bệnh.

Người lớn thường xuyên đi học, đi làm, tiếp xúc nhiều người, đi du lịch nhiều nơi. Khi không chú ý các biện pháp phòng ngừa, không tiêm phòng đầy đủ vaccine, thiếu hụt vitamin A trong chế độ ăn hàng ngày, họ dễ bị nhiễm bệnh và biến chứng nặng.

Do suy nghĩ chủ quan bệnh chỉ gặp ở trẻ em nên nhiều người không theo dõi và điều trị kịp thời các biến chứng của bệnh. Như vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội tiếp nhận một bệnh nhân 50 tuổi viêm não nhưng không nghĩ mắc sởi, chỉ chữa viêm họng cấp.

Bác sĩ Luật đang điều trị cho một trường hợp sởi biến chứng viêm não. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Luật đang điều trị cho một trường hợp sởi biến chứng viêm não. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bệnh sởi không nguy hiểm

Theo bác sĩ Luật, người lớn mắc sởi cũng gặp các triệu chứng như sốt cao, viêm phổi, viêm não, tiêu chảy cấp, viêm loét giác mạc có thể dẫn đến mù lòa... Đối với phụ nữ mang thai, mắc sởi trong thai kỳ có thể gây sảy thai, sinh non hoặc suy dinh dưỡng ở trẻ sau sinh.

Nguy cơ gặp phải biến chứng do sởi cao hơn nếu người mắc có hệ miễn dịch suy yếu, ví dụ bệnh nhân ung thư máu hoặc nhiễm HIV, người trưởng thành trên 20 tuổi và phụ nữ mang thai.

Chỉ nhiễm bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp

Bệnh sởi lây thông qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi ho hoặc hắt hơi, nói chuyện. Song, bệnh còn có đường lây gián tiếp là tiếp xúc với virus bám trên bề mặt hoặc vật thể như tay nắm cửa, mặt bàn, đồ chơi... sau đó đưa tay chạm vào mắt, mũi hoặc miệng. Virus sởi có thể sống trong không khí hoặc trên bề mặt đồ vật tới 2 giờ.

Mắc sởi cần kiêng tắm

Mắc sởi vẫn nên tắm bình thường. Việc tắm rửa sạch sẽ giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn, loại bỏ các tế bào da chết, bụi bẩn, mồ hôi mà còn ngăn ngừa nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn do kém vệ sinh.

Tuy nhiên, bệnh nhân sởi nên tắm ở nhiệt độ nước vừa phải, không nên tắm quá lâu hoặc tắm nước lạnh, không nên dùng sản phẩm tẩy rửa có chứa thành phần hóa học tẩy rửa mạnh. Tắm xong nên thấm khô người, tránh chà xát mạnh.

Tránh quạt, điều hòa

Do tâm lý kiêng gió khi mắc sởi, nhiều người không dám dùng điều hòa ngay cả khi trời nóng. Người mắc sởi cần ở phòng thoáng khí, sạch sẽ và có thể bật quạt hay điều hòa để cảm thấy thoải mái và dễ chịu khi trời nóng.

Bệnh sởi dễ lây lan nhưng không nên kiêng khem quá mức, người chưa bị bệnh nên tiêm vaccine để tạo miễn dịch chủ động, đồng thời nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

100% người tiêm vaccine sởi không mắc bệnh

Hiện Việt Nam có nhiều loại vaccine phòng sởi mang lại hiệu quả bảo vệ cao. Tiêm đầy đủ 2 liều vaccine phòng sởi có hiệu quả phòng bệnh lên đến 98%, còn tiêm một mũi chỉ đạt khoảng 93%.

Vaccine sởi đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh sởi. Các tác dụng phụ nếu có thường rất nhẹ và không đáng kể so với rủi ro do bệnh sởi gây ra, thường biến mất sau 1-2 ngày, bao gồm sốt hoặc phát ban nhẹ.

Giống như tất cả các vaccine khác, vaccine phòng sởi không bảo vệ tuyệt đối, vẫn có tỷ lệ nhỏ người tiêm vẫn có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, người tiêm vaccine khi mắc bệnh sẽ có triệu chứng nhẹ, giảm khả năng nhập viện và gặp biến chứng.

Đối với những người đã tiếp xúc với virus sởi, việc tiêm vaccine sớm vẫn có hiệu quả phòng bệnh và giảm biến chứng của bệnh. Vì sau khi nhiễm, virus sởi cần thời gian để xâm nhập vào cơ thể gây bệnh, tiêm vaccine sởi trong vòng 72 giờ kể từ khi tiếp xúc với virus gây bệnh có thể giúp phòng bệnh.

Người lớn tiêm vaccine phòng bệnh tại VNVC. Ảnh: Diệu Thuần

Người lớn tiêm vaccine phòng bệnh tại VNVC. Ảnh: Diệu Thuần

Đã mắc sởi không cần tiêm vaccine

Bệnh sởi có các triệu chứng như sốt, phát ban dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác như sốt phát ban, rubella, tay chân miệng... Người bệnh cần có chẩn đoán của bác sĩ hoặc kết quả xét nghiệm dương tính với virus sởi mới chắc chắn xác định mắc bệnh.

Người lớn không nhớ rõ đã từng mắc bệnh hoặc không nhớ lịch sử tiêm chủng vẫn cần tiêm vaccine. Lịch tiêm gồm 2 mũi cách nhau 1 tháng. Phụ nữ nên tiêm vaccine trước mang thai 3 tháng, tối thiểu 1 tháng tùy theo loại vaccine để truyền kháng thể thụ động bảo vệ con khi chưa đủ tuổi tiêm ngừa.

Thanh Ba