Theo báo Người lao động ngày 23/2/2025, nhân lực bán dẫn của Việt Nam đang được quốc tế quan tâm, với nhiều cơ quan quản lý và doanh nghiệp vùng Kyushu (Nhật Bản) đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác về nhân lực bán dẫn.
Trước đó, tại buổi tọa đàm với chủ đề "Tiềm năng và thách thức trong đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn" vào tháng 4 năm ngoái, ông Bùi Quang Ngọc - giám đốc cấp cao Công ty Marvell Việt Nam tiết lộ, nhiều công ty sẵn sàng đưa "đãi ngộ nghìn đô" để mời gọi kỹ sư Việt về đầu quân.
Hãng tin Sputnik (Nga) đánh giá, các kỹ sư thiết kế vi mạch của Việt Nam có trình độ "không thua kém các kỹ sư cùng lĩnh vực trên thế giới" khi có thể tham gia quy trình thiết kế những con chip tiên tiến với kích cỡ dưới 10nm.
Một trong những thành tích đáng nể phải kể tới sự kiện làm "bùng nổ" giới công nghệ trong năm 2023.
Con chip 3nm trên tay CEO Intel và thành công của 150 kỹ sư Việt
Cụ thể, tại sự kiện Intel Innovation diễn ra vào tháng 9/2023 tại Mỹ, Giám đốc điều hành (CEO) Pat Gelsinger của Intel đã gây ấn tượng mạnh khi "trình làng" mẫu chip 3nm đầu tiên sử dụng công nghệ kết nối đa khuôn (Multidie chip 3nm đầu tiên theo công nghệ IP Ucle).
Ở thời điểm đó, mẫu chip này được ví như "kỳ quan công nghệ" và là giải pháp thiết kế chip tiên tiến nhất trên thế giới.
Đáng lưu ý, đội ngũ chính tham gia thiết kế và kiểm thử công nghệ này chính là 150 kỹ sư Việt Nam làm việc cho tập đoàn Synopsys của Mỹ.

CEO Intel Pat Gelsinger "trình làng" mẫu chip 3nm đầu tiên sử dụng công nghệ kết nối đa khuôn tại sự kiện tháng 9/2023. Ảnh: MarkeTimes
Theo Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, đây là giải pháp thiết kế chip tiên tiến đến từ anh Nguyễn Bảo Anh (một cựu sinh viên của trường), và các kỹ sư của Synopsys Việt Nam.
Trong năm 2023, anh Nguyễn Bảo Anh đảm nhận vị trí Giám đốc kỹ thuật, Trưởng văn phòng tại Đà Nẵng, Công ty Synopsys tại Việt Nam trước khi bắt đầu hành trình mới tại Mixel Việt Nam năm 2024.
Trả lời Báo đầu tư vào tháng 2/2025, anh Nguyễn Bảo Anh cho biết, anh rất tự hào khi kỹ sư Việt Nam đã sản xuất thành công một sản phẩm mà cả thế giới phải công nhận, đặc biệt hơn nữa khi đây là một sản phẩm quan trọng trong xu hướng thiết kế chip tương lai.
Sau khi Tập đoàn Synopsys mua lại công ty do Bảo Anh làm việc vào năm 2019, nguồn lực của "ông lớn vi mạch bán dẫn" đã giúp Bảo Anh và các kỹ sư cộng sự có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu hơn, từ đó sản xuất được sản phẩm chủ lực mới cho công ty.

Nguyễn Bảo Anh (ngoài cùng bên phải) cùng các kỹ sư Việt Nam là những người đứng sau mẫu chip 3nm được CEO Intel Pat Gelsinger giới thiệu. (Ảnh: Báo Quảng Nam)
"AMS Synopsys Việt Nam được tập đoàn Synopsys giao trách nhiệm sáng tạo, thiết kế và phát triển dòng sản phẩm lõi IP cho giao tiếp đa khuôn (multi-die PHY IP) - một dòng sản phẩm quan trọng trong xu hướng thiết kế chip tương lai với công nghệ kết nối đa khuôn rất phức tạp như UCIe tốc độ cao mà chưa nơi nào trên thế giới từng công bố, ngoài Synopsys.
Tập đoàn Intel sau đó đã trình làng mẫu chip 3nm đầu tiên sử dụng công nghệ kết nối UCIe đa khuôn giữa 2 chip đến từ hai nhà sản xuất khác nhau trong cùng một package do đội ngũ Synopsys Việt Nam thiết kế vào năm 2023" – Báo Đầu tư dẫn lời anh Bảo Anh cho hay.
Với kinh nghiệm gần 20 năm gắn bó với chip và vi mạch, đồng thời tham gia thiết kế thành công nhiều sản phẩm vươn tâm quốc tế, Bảo Anh khẳng định, trí tuệ Việt Nam không hề thua kém quốc gia nào trên thế giới trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Thậm chí, nếu lúc trước, các nước khác giao việc để các nhóm tại Việt Nam làm, thì nay, "bắt đầu xuất hiện những nhóm người Việt giao việc cho các kỹ sư nước khác thực hiện".
Trình độ không thua kém thế giới
Hãng tin Sputnik đánh giá, các kỹ sư thiết kế vi mạch tại Việt Nam hiện đã có khả năng tham gia vào quy trình thiết kế những con chip hiện đại với kích thước dưới 10 nm. Điều này cho thấy, nhờ sở hữu những phẩm chất đặc trưng của người làm kỹ thuật, cùng với quá trình đào tạo chuyên sâu trong môi trường làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài, các kỹ sư Việt Nam đang không ngừng nâng cao trình độ trong lĩnh vực công nghệ hàng đầu này.
Hiện nay, khoảng 75% chip bán dẫn trên toàn cầu có kích thước từ 28 nm trở lên. Chip càng nhỏ thì độ phức tạp càng cao, đòi hỏi kỹ thuật thiết kế tinh vi hơn. Ông Robert Li, Phó Chủ tịch Công ty Synopsys khu vực Đài Loan (Trung Quốc) và Nam Á, nhận định: "Các kỹ sư Việt Nam sở hữu những phẩm chất nổi bật như sự năng động, ham học hỏi và làm việc chăm chỉ. Vì vậy, chúng tôi rất sẵn lòng hỗ trợ để họ phát huy tối đa tiềm năng của mình".

Sputnik đánh giá, các kỹ sư thiết kế vi mạch của Việt Nam có trình độ "không thua kém các kỹ sư cùng lĩnh vực trên thế giới". Ảnh: Sputnik
Theo ông Bùi Quang Ngọc, quy trình thiết kế và sản xuất vi mạch bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau, và các kỹ sư Việt Nam đã tham gia vào hầu hết các công đoạn này. Ông Ngọc chia sẻ: "Kỹ sư Việt Nam được đánh giá cao nhờ sự sáng tạo, chăm chỉ, trung thực và tinh thần cởi mở. Họ đang dần tham gia vào những phần quan trọng nhất trong thiết kế vi mạch, từ thiết kế hệ thống đến các vi mạch phức tạp."
Sputnik cũng nhấn mạnh rằng, việc xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ cùng đội ngũ kỹ sư thiết kế chip và điện tử sẽ giúp Việt Nam từng bước nâng cao vị thế và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị ngành bán dẫn. Các hiệp hội vi mạch quốc tế đánh giá rằng, nếu Việt Nam tập trung phát triển các xu hướng từ thiết kế, ứng dụng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quốc gia này có thể hướng tới mục tiêu tự sản xuất chip từ năm 2030.
Việt Nam bứt phá thành cứ điểm hút loạt "ông lớn"
Theo Sputnik, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới về công nghiệp bán dẫn và điện tử trong giai đoạn từ 2030 đến 2040. Chiến lược này kết hợp giữa việc phát triển nội lực và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tiếp đó, trong giai đoạn 2040-2050, Việt Nam kỳ vọng sẽ vươn lên nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu thế giới về lĩnh vực bán dẫn và điện tử, đồng thời làm chủ công nghệ nghiên cứu và phát triển (R&D) trong ngành này.
Trong phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn vào tháng 12/2024, Việt Nam đã khẳng định vị thế là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Hiện tại, Việt Nam đã tham gia vào nhiều công đoạn trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn, bao gồm thiết kế, kiểm thử, đóng gói vi mạch, cũng như sản xuất thiết bị và nguyên liệu liên quan.

Việt Nam đang thu hút mạnh đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn. Ảnh: MTA Vietnam
Ngoài ra, Việt Nam hiện có hơn 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, với đội ngũ hơn 6.000 kỹ sư. Bên cạnh đó, có 7 nhà máy chuyên về đóng gói và kiểm thử, thu hút khoảng 6.000 kỹ sư và hơn 10.000 kỹ thuật viên. Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị và nguyên liệu phục vụ ngành bán dẫn cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động. Đến nay, Việt Nam đã thu hút 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn, với tổng vốn đăng ký lên đến gần 11,6 tỷ USD.
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được chia thành ba giai đoạn, với mục tiêu đạt doanh thu hơn 50 tỷ USD mỗi năm và xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao với hơn 100.000 kỹ sư, cử nhân được đào tạo bài bản, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.
Các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang ngày càng quan tâm đến Việt Nam. Sự kiện Hội nghị quốc tế về "Trí tuệ nhân tạo và Bán dẫn 2025", dự kiến diễn ra từ ngày 12-16/3/2025, sẽ quy tụ hơn 1.000 lãnh đạo và chuyên gia từ các tập đoàn hàng đầu như Google DeepMind, IBM, Intel, TSMC, Samsung, cùng nhiều công ty công nghệ lớn khác từ Silicon Valley và các quốc gia phát triển.
Đây được xem là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là những tập đoàn lớn trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.