Khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai đang bị lãng phí
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký chứng thực Nghị quyết Kỳ họp thứ 9 , Quốc hội khóa XV. Tại nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan tiếp tục theo dõi sát diễn biến, dự báo tình hình trong nước và thế giới, triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi số và hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu có liên quan chậm nhất trong năm 2025; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai; kiểm soát biến động giá đất , đặc biệt là giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp…

Quốc hội lưu ý xử lý dứt điểm các công trình, dự án tồn đọng kéo dài gây lãng phí.
Quốc hội cũng lưu ý xử lý dứt điểm các công trình, dự án tồn đọng kéo dài gây lãng phí nguồn lực và cản trở phát triển các doanh nghiệp, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan; chấm dứt tình trạng chậm thanh toán các hợp đồng của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đã ký với doanh nghiệp tư nhân. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục, giải quyết tranh chấp, đẩy nhanh tiến độ dự án và khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai đang bị lãng phí.
Nhiệm vụ giải pháp khác cần tập trung triển khai thực hiện là việc hoàn thiện chính sách tín dụng, trong đó có chính sách ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng; kiểm soát chặt cho vay nội bộ.
“Khẩn trương tái cơ cấu thị trường chứng khoán , phát triển thị trường bảo hiểm; hoàn thiện quy định về trái phiếu doanh nghiệp để phát triển sâu rộng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thu hút vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế”, Nghị quyết nêu rõ.
Đánh giá toàn diện về tài sản công sau sáp nhập
Về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí , Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung thể chế hóa chủ trương của Đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát, sửa đổi định mức, tiêu chuẩn làm cơ sở để tiết kiệm, chống lãng phí trong các luật chuyên ngành, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đồng thời, Chính phủ cần đánh giá toàn diện về hiện trạng tài sản công của các cơ quan, tổ chức thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính và tinh gọn tổ chức bộ máy. Có kế hoạch tổng thể, đồng bộ trong việc quản lý, sử dụng, chuyển giao trụ sở làm việc sau tinh gọn tổ chức bộ máy.
Trong đó, Quốc hội lưu ý, cần ưu tiên bố trí, chuyển đổi trụ sở dôi dư thành cơ sở phúc lợi công cộng, khám, chữa bệnh, trường học; nghiên cứu, có cơ chế cho thuê, chuyển nhượng tài sản, trụ sở, nhà đất...bảo đảm tất cả tài sản dôi dư được sử dụng hiệu quả, tránh tình trạng bỏ hoang hoặc sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả.
Về chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù sau sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính, Quốc hội cho phép các địa phương (bao gồm các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ) sau sáp nhập đơn vị hành chính được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù theo các Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành trước đó, trừ các điều, khoản đã bị bãi bỏ theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Đồng thời, Quốc hội cũng cho phép các xã, phường mới tương ứng với địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đắk Lắk sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính được tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 72 của Quốc hội.
Về phương án tổng thể để giải quyết dứt điểm vấn đề của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy ( SBIC ), Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc chuyển toàn bộ nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ còn lại của Chính phủ tại đơn vị này thành nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước để xử lý dứt điểm vấn đề nợ của SBIC, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.
Chính phủ chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu thanh toán các khoản nợ còn lại thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại doanh nghiệp này, không để tiếp tục phát sinh thêm các khoản Chính phủ phải thanh toán thay cho Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy.