Theo Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xuất khẩu cà phê tháng 5 ước đạt 165.000 tấn với giá trị đạt 396 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm 2023 đạt 882.000 tấn và 2,02 tỉ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 0,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, kỷ lục về giá trị cà phê xuất khẩu 4 tỉ USD năm 2022 đang từng bước bị phá vỡ.
Giá tăng ngoài sức tưởng tượng
Nông dân Lê Hải (tỉnh Kon Tum) tiếc hùi hụi khi vừa bán toàn bộ 11 tấn cà phê trong kho với giá 49.500 đồng/kg vào cuối tháng 4, sau đó giá tăng vù vù. "Nông dân không thể tưởng tượng nổi cà phê có thể vượt 60.000 đồng/kg nên gần như đã bán hết khi giá chạm mốc 50.000 đồng/kg. Bây giờ nghe giá cà phê cao thì tiếc nhưng người trồng cà phê gần như không còn hàng để bán với giá cao" - ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, những năm gần đây giá cà phê lên xuống không theo quy luật nào nên không thể dự báo. Những năm trước, gia đình ông từng trữ cà phê khi vừa vào vụ thu hoạch ở giá 38.000 đồng/kg để rồi một năm sau bán giá chỉ 22.000 đồng/kg. Rút kinh nghiệm từ lần thua lỗ đó, ông Hải không mặn mà trữ lâu dù không gặp áp lực về tài chính.
Khảo sát thị trường, giá cà phê hiện tại ở khu vực Tây Nguyên sau khi thiết lập đỉnh 64.000 đồng/kg hồi cuối tháng 5, nay đã giảm còn khoảng 61.000 đồng, vẫn là mức kỷ lục hơn 10 năm qua.
Theo Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, trong tháng 5-2023, giá cà phê thế giới biến động tăng mạnh do nguồn cung Robusta tại các nước sản xuất hàng đầu ở mức thấp. Cụ thể, giá cà phê Robusta giao tháng 7-2023 tại thị trường London (Anh) tăng 148 USD/tấn, lên mức 2.557 USD/tấn. Trong khi đó, giá cà phê xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2.295 USD/tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, trong các tháng cuối năm, giá trị xuất khẩu sẽ còn cao hơn nữa khi các hợp đồng theo giá mới được giao.
Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương thống kê tháng 5-2023, giá cà phê Robusta và Arabica biến động không đồng nhất. Trong khi giá cà phê Robusta (sản phẩm chủ lực của Việt Nam) tăng thì giá cà phê Arabica giảm giữa bối cảnh các dự báo cho thấy sản lượng cà phê Robusta bị giảm còn Arabica thì tăng nguồn cung. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới khi nhu cầu sử dụng cà phê Robusta đang tăng lên giữa bối cảnh lạm phát. Trong khi đó, nhu cầu cà phê Robusta trên thế giới vẫn giữ ở mức cao cho ngành công nghiệp sản xuất cà phê hòa tan.
Thu hoạch cà phê tại Tây Nguyên
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, cho biết đang có chuyến công tác tại châu Mỹ. Ông vừa thăm khách hàng ở Colombia và nhận thấy đây là thị trường tiềm năng dù Colombia nổi tiếng với cà phê Arabica và nhiều sản phẩm cà phê của nước này đắt nhất thế giới.
Tuy nhiên, cà phê tiêu dùng trong nước Colombia chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam, Brazil. Cà phê Việt Nam không chỉ phục vụ người dân lao động mà còn vào các khách sạn, thậm chí ở sân bay Colombia vì có mức giá hợp lý hơn.
Ai hưởng lợi?
Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), giá cà phê tăng liên tục là do cung không đủ cầu. Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cà phê vẫn thuận lợi khi nhu cầu tăng trong khi nguồn hàng không được cải thiện. Dự báo sản lượng cà phê năm nay giảm đến 10%-15%/năm do thời tiết không thuận lợi.
Dù vậy, không chỉ nông dân mà một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cũng than không được hưởng lợi từ giá cà phê tăng. Tình hình thị trường cà phê biến động lớn như hiện nay, đặc biệt là chi phí tài chính quá cao, khiến các DN Việt không dám trữ hàng. Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Dak Lak), cho hay phần lớn DN chỉ mua hàng đến đâu bán đến đó, giá đã chốt sẵn nên không hưởng lợi bao nhiêu từ đợt tăng giá này.
Chủ một DN xuất khẩu cà phê lớn cho biết hiện cà phê trong dân và các đại lý gần như cạn kiệt. Phần lớn ở trong kho các DN nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, nên các DN này được hưởng lợi chính trong đợt tăng giá kỷ lục. Trong khi đó, các nhà rang xay và chế biến cà phê trong nước đang rất đau đầu khi không mua được nguyên liệu.
Theo chủ một cơ sở rang xay cỡ nhỏ tại TP Thủ Đức (TP HCM), đầu năm dự liệu giá nguyên liệu ở mức 55.000 đồng/kg (loại 1) nên chốt giá bán sỉ cà phê rang xay ở mức 120.000 đồng/kg nhưng nay giá nhảy lên 68.000 đồng/kg, cơ sở chưa thể điều chỉnh giá thành phẩm. "Sức mua trong nước hiện rất yếu nên việc tăng giá bán lẻ rất khó khăn. Đợt tăng giá cà phê này, nông dân và DN Việt ít người hưởng lợi, thậm chí nhà rang xay đối mặt thua lỗ" - chủ cơ sở này phản ánh.
Tránh rủi ro
Theo ông Lê Đức Huy, xu hướng cà phê tăng giá như hiện nay có thể dẫn đến hiện tượng người dân mở rộng vùng trồng.
"Theo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), những sản phẩm cà phê xuất xứ từ vùng rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 30-12-2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này. Do đó, lưu ý không trồng trên diện tích đất có rủi ro về nguồn gốc phá rừng vì sẽ ảnh hưởng xấu đến việc xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tương lai" - ông Huy nhắc nhở.