Xe điện VinFast sắp “debut” trong ngành xe ôm công nghệ, đấu với Grab, Gojek ra sao?

Admin

Sau khi tạo tiếng vang với taxi điện, GSM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang ấp ủ dự định một đội ngũ xe ôm chạy điện của mình mang thương hiệu GreenBike/GreenExpress.

Xe điện VinFast sắp “debut” trong ngành xe ôm công nghệ, đấu với Grab, Gojek ra sao? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Sau khi ra mắt dịch vụ taxi điện vào tháng 4/2023, Công ty Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) đang có kế hoạch mở rộng sang mảng xe ôm công nghệ chạy bằng xe máy điện VinFast. Cụ thể trên trang Linkedin cá nhân và mạng xã hội Facebook, CEO GSM - ông Nguyễn Văn Thanh gần đây đã cập nhật trạng thái đang mong muốn tìm kiếm một Giám đốc vận hành xe máy điện (GreenBike/GreenExpress), phần nào tiết lộ kế hoạch tiếp theo của công ty này tại thị trường Việt Nam.

Cụ thể, ông Thanh cho biết hiện nay, Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới về tỉ lệ sở hữu xe máy, ước tính hơn 42 triệu chiếc (bao gồm cả những xe không còn lưu hành), mỗi năm thị trường Việt Nam lại tiêu thụ thêm 3 triệu xe và phần lớn trong số đó là xe máy xăng.

Ông Thanh cũng nhấn mạnh về những ưu điểm mà xe máy điện mang lại. Đầu tiên là vấn đề môi trường, những vấn đề về ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm không khí sẽ được giảm bớt. Thêm vào đó yếu tố chi phí cũng tốt hơn nhiều so với một chiếc xe máy xăng và ủng hộ tinh thần người Việt dùng hàng Việt.

Xe điện VinFast sắp “debut” trong ngành xe ôm công nghệ, đấu với Grab, Gojek ra sao? - Ảnh 2.

Cạnh tranh với Gojek, Grab ra sao?

Soi sang các hãng xe công nghệ khác, mô hình đưa xe máy điện áp dụng vào dịch vụ vận chuyển hành khách/hàng hóa không còn còn là hình thức mới mẻ. Cuối tháng 5 vừa qua, Gojek đã công bố hợp tác với Dat Bike đưa xe máy điện vào phục vụ vận chuyển hành khách. Cụ thể, Dat Bike cung cấp cho các đối tác tài xế Gojek dòng xe Dat Bike Weaver để thực hiện các dịch vụ chở khách (GoRide), giao đồ ăn (GoFood) và giao hàng (GoSend) tại Việt Nam.

Theo chia sẻ từ Gojek, việc sử dụng xe điện Dat Bike Weaver có thể giúp các đối tác tài xế hạ thấp chi phí nhiên liệu tới hơn 4 lần so với xe xăng, từ đó tiết kiệm đáng kể chi phí hoạt động, bên cạnh việc góp phần bảo vệ môi trường bằng việc ngưng xả thải.

Về phía Grab, hãng xe công nghệ này chọn Selex Motors để triển khai thử nghiệm giao hàng bằng xe điện tại TP. HCM. Đồng thời, Selex Motors cũng đưa vào hoạt động 24 điểm đổi pin tự động trên toàn thành phố.

Xe điện Selex Camel là dòng xe máy điện phù hợp cho cả chở hàng và chở người. Xe có năng lực chuyên chở gấp 50% khối lượng và thể tích so với các dòng xe khác với phí bảo trì chỉ tương đương 50% so với xe máy và thay vì sạc pin mất 3-8 tiếng thì khách hàng có thể đổi pin đã hết, lấy pin đầy tại các trạm đổi pin của Selex.

Hiện nay vẫn chưa có thêm bất kỳ thông tin nào về thời gian cụ thể và những chính sách ra sao khi đưa xe điện vào hoạt động của GSM. Tuy nhiên đã có nhiều tài xế thử áp dụng sử dụng xe điện VinFast để chạy xe công nghệ và bất ngờ với số tiền tiết kiệm được so với xe chạy bằng xăng. Cụ thể theo chia sẻ của một tài xế công nghệ sử dụng xe điện VinFast Klara S, anh chia sẻ chi phí mỗi tháng thuê pin là 350.000 đồng và phí sạc khoảng 100 đồng/km. Mỗi ngày, với khoảng 7 km chạy là đủ tiền dành cho thuê pin và sạc pin, còn lại là tiền công và lợi nhuận.

Về đội xe của VinFast, hãng đã cho ra mắt các mẫu xe máy điện tại thị trường Việt và nhận được sự đón nhận tích cực của người dùng với các dòng xe như VinFast Vento, Theon, Klara, Feliz, Evo,…với nhiều mức giá. Dòng xe điện Evo của hãng nhận được sự quan tâm hơn cả với giá chỉ 22 triệu đồng nhưng có quãng đường di chuyển lên đến hơn 200 km (chưa bao gồm chi phí thuê pin).

Về trạm sạc, VinFast cũng đã xây dựng được trạm sạc phủ khắp Việt Nam để đảm bảo quá trình lưu thông của người dùng. Tính đến cuối năm 2022, số lượng trạm sạc dành cho ô tô và xe máy của VinFast là hơn 3.000 trạm sạc với hơn 150.000 cổng sạc. Trong đó 493 trạm sạc tại 26 tỉnh thành miền Bắc, 318 trạm sạc tại 19 tỉnh thành phía Trung và 256 trạm sạc tại các tỉnh thành phía Nam.