Vụ ngộ độc tại Đồng Nai: Bánh mì nhiễm vi khuẩn Salmonella, E.coli

Admin

Mẫu nguyên liệu thực phẩm lấy từ tiệm bánh mì bị nhiễm vi khuẩn Salmonella, một số mẫu khác nhiễm khuẩn E.coli.

Chiều 7/5, thông tin từ lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, cơ quan này đã có kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm trong vụ ngộ độc tại tiệm Bánh mì Băng ở Tp.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Theo đó, đa phần các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, mẫu nguyên liệu thực phẩm lấy từ tiệm bánh mì bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. Ngoài ra, một số mẫu khác nhiễm khuẩn E.coli và một số vi khuẩn khác đã khiến nhiều người ngộ độc sau khi mua ăn tại tiệm bánh mì.

Trước đó, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã lấy mẫu thực phẩm tại tiệm bánh mì gồm: Thịt nguội da bao, dưa muối chua, chả lụa, thịt heo đã qua chế biến, pate gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại Viện Y tế công cộng Tp.HCM và đã tìm thấy nguyên nhân gây ra ngộ độc.

Sức khỏe - Vụ ngộ độc tại Đồng Nai: Bánh mì nhiễm vi khuẩn Salmonella, E.coli

Tiệm bánh mì nơi xảy ra sự cố.

Trước đó, ngày 6/5, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 (Tp.HCM) cũng tìm thấy vi khuẩn Salmonella trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhi P.H.M. (14 tuổi, một trong những bệnh nhân của vụ nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại Tp.Long Khánh.

Như Người Đưa Tin đã đưa, đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng Đồng Nai ghi nhận 545 trường hợp nhập viện liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì tại tiệm Bánh mì Băng. Hiện tại, có 207 trường hợp đã xuất viện, tiếp tục theo dõi tại nhà, 338 trường hợp theo dõi điều trị tại các bệnh viện.

Theo các chuyên gia về y tế, nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella khi ăn hoặc uống thứ gì đó có vi khuẩn trong đó. Salmonella phổ biến hơn trong thực phẩm từ động vật, như trứng, thịt bò và gia cầm. Nhưng đất hoặc nước cũng có thể làm ô nhiễm trái cây và rau quả. Ngoài ra, Salmonella có thể được lây nhiễm từ thực phẩm này sang thực phẩm khác bằng tay hoặc dao, thớt, đĩa và các dụng cụ nhà bếp khác. Không những thế, bạn có thể bị nhiễm trùng nếu không nấu chín một số loại thức ăn đủ kỹ.

Vi khuẩn Samonella có trong thực phẩm, nguồn nước ô nhiễm. Thời gian ủ bệnh khi nhiễm Salmonella là từ 6-72 giờ sau khi ăn, thông thường từ 18-36 giờ sẽ xuất hiện các triệu chứng như: đau đầu, buồn nôn đau quặn bụng, tiêu chảy, ớn lạnh, sốt.

Các triệu chứng thường bắt đầu từ 6 giờ đến 6 ngày sau khi nhiễm bệnh và kéo dài 4-7 ngày. Trong đó, tiêu chảy có thể kéo dài tới 10 ngày. Một số ít trường hợp có thể bị biến chứng nặng nếu nhiễm Salmonella lan rộng, xuyên qua ruột, có thể dẫn đến tử vong.

Salmonella là một loại vi khuẩn gây ra bệnh tiêu chảy, thường xuất hiện qua đường ăn uống. Khi xâm nhập vào cơ thể, Salmonella sẽ sinh ra độc tố làm tổn thương niêm mạc ruột, dẫn đến các triệu chứng như: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.

Ngộ độc Salmonella có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: mất nước nặng, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong. Đặc biệt, trẻ em và người già là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nặng nề bởi ngộ độc Salmonella do hệ miễn dịch của họ còn yếu.

Vi khuẩn Salmonella thường có trong thịt gia súc, gia cầm sống hoặc chưa được nấu chín. Ngoài ra, vi khuẩn này cũng có thể lây nhiễm qua rau củ quả chưa được rửa sạch hoặc sữa chưa được tiệt trùng.

Để phòng ngừa ngộ độc Salmonella, người dân cần lưu ý ăn chín, uống chín, đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm, trứng và hải sản; rửa sạch tay trước khi chế biến và ăn uống; rửa sạch rau củ quả trước khi ăn; bảo quản thực phẩm đúng cách, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.