Việt Nam trở thành điểm đến chiến lược cho dòng vốn công nghệ và đổi mới sáng tạo: Đâu là chìa khóa thành công cho startup?

Admin

Ngày 22/4, Diễn đàn Đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2025 (VIPC Summit 2025) do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Tài chính phối hợp với Tổ chức Phát triển vốn đầu tư tư nhân, Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures và Do Ventures tổ chức diễn ra tại Hà Nội. Diễn đàn là nơi hơn 500 lãnh đạo, chuyên gia, và nhà đầu tư từ khắp thế giới hội tụ để thảo luận về tương lai công nghệ của Việt Nam.

Sự kiện quy tụ những tên tuổi lớn trong lĩnh vực đầu tư và công nghệ như Temasek, CDH Investments, Partech Ventures, VinaCapital, Mekong Capital, hay Golden Gate Ventures và Do Ventures… Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về tiềm năng của Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược, từ công nghệ bán dẫn, đến trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ xanh, và các sáng kiến đô thị thông minh.

Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để trở thành nền kinh tế đổi mới sáng tạo

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, trong bài phát biểu chỉ đạo, nhấn mạnh rằng đây là thời điểm lịch sử để Việt Nam tận dụng cơ hội, biến mình thành “điểm hấp thụ hiệu quả” cho dòng vốn công nghệ cao. Phó Thủ tướng cũng kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế nhanh chóng hành động, đồng hành cùng Việt Nam xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển vào năm 2045.

Việt Nam trở thành điểm đến chiến lược cho dòng vốn công nghệ và đổi mới sáng tạo: Đâu là chìa khóa thành công cho startup?- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu chỉ đạo sự kiện

Tại sự kiện, Tổ chức Phát triển đầu tư vốn tư nhân Việt Nam (VPCA), Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) đã công bố báo cáo "Đối mới sáng tạo và Đầu tư vốn tư nhân Việt Nam 2025". Báo cáo nhấn mạnh, Việt Nam đang ở vào một thời điểm "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để bứt phá, với những yếu tố tăng trưởng ấn tượng: GDP thực tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 7,1% trong năm 2024, vượt xa nhiều nước trong khu vực; Quy mô kinh tế dự kiến tăng gấp 2,5 lần, đạt 1.100 tỷ USD vào năm 2035; Thu hút 25 tỷ USD vốn FDI trong năm 2024, tăng 9% so với năm trước; Tầng lớp trung lưu dự kiến chiếm 46% dân số vào năm 2030, tạo ra sức mua khổng lồ; Kinh tế số bùng nổ, đóng góp 18,3% GDP và hướng tới mục tiêu 35% vào năm 2030.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), khẳng định rằng sự tăng trưởng của Việt Nam hiện nay gắn chặt với chiến lược đổi mới sáng tạo. Chính phủ không chỉ thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng vật chất mà còn xây dựng những hệ sinh thái sẵn sàng cho tương lai - nơi hội tụ tài năng số, công nghệ cao và nguồn vốn quốc tế. Một lần nữa, ông cũng khẳng định đây là thời điểm quan trọng để đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế đổi mới sáng tạo linh hoạt hàng đầu châu Á.

Để thực hiện hóa định hướng này, việc thu hút nguồn lực đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư tư nhân đóng vai trò then chốt.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Chủ tịch VPCA kiêm Giám đốc Điều hành Do Ventures, cho rằng Việt Nam đã chuyển mình từ một thị trường tiềm năng thành một quốc gia sẵn sàng bứt phá. Đây là thập kỷ định hình tương lai của Việt Nam. Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, Việt Nam nổi lên như một điểm đến cho tăng trưởng bền vững, đổi mới sáng tạo từ gốc và chính sách tiên phong. Hiện nay, dòng vốn đã sẵn sàng đổ vào thị trường và thời điểm là ngay bây giờ.

Nhận định rằng Việt Nam là một thị trường hấp dẫn nhờ dân số trẻ, năng động, và tiềm năng tăng trưởng kinh tế số, ông Vinnie Lauria, Nhà sáng lập Quỹ Golden Gate Ventures và thành viên Hội đồng VPCA cho biết quỹ của mình, với nguồn vốn quản lý 300 triệu USD, đã đầu tư vào nhiều công ty khởi nghiệp tại Việt Nam và đang lên kế hoạch mở rộng danh mục trong các lĩnh vực công nghệ cao.

3 chìa khóa quan trọng để startup tận dụng được cơ hội

Đứng trước sự hỗ trợ của Chính phủ và sự quan tâm của nhà đầu tư, bản thân startup cũng cần chuẩn bị thật tốt để nắm bắt các cơ hội tiến tới thành công. Chia sẻ trong phần đối thoại với chủ đề Khai phá Tương lai Công nghệ Tài chính tại Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Tường, Đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc MoMo, đã chia sẻ những bài học sâu sắc cho các startup tham gia sự kiện.

Từ kinh nghiệm của MoMo, CEO này cho rằng, để một startup thành công, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và fintech, cần có ba chìa khóa chính: nhà đầu tư phù hợp, đội ngũ phù hợp và sản phẩm vượt trội.

Ông nhấn mạnh: “Đầu tiên, để thành công, thực sự phải có may mắn, nhưng cũng không thể chỉ phụ thuộc vào may mắn”. Trước hết, theo ông Nguyễn Mạnh Tường, may mắn bao gồm việc tìm được nhà đầu tư phù hợp, người tin vào sứ mệnh và tầm nhìn của founder. Với fintech, nhà đầu tư cần hiểu rằng lĩnh vực này là “cuộc chơi đường dài”, có thể mất đến 15 năm để đạt được kết quả nhất định, đòi hỏi nhà đầu tư có sự kiên nhẫn và niềm tin vào đội ngũ.

Thứ hai, đội ngũ phải hiểu sâu về thị trường bản địa nhưng cũng cần tầm nhìn quốc tế để thích nghi với xu hướng. Ông Tường chia sẻ: “Chúng tôi rất tự hào vì đã xây dựng đội ngũ kỹ sư Việt làm sản phẩm cho người Việt,” với nhiều lãnh đạo từng học tập và làm việc ở nước ngoài.

Việt Nam trở thành điểm đến chiến lược cho dòng vốn công nghệ và đổi mới sáng tạo: Đâu là chìa khóa thành công cho startup?- Ảnh 2.

Ông Minh Đỗ (trái), Giám đốc khu vực Việt Nam, Warburg Pincus và ông Nguyễn Mạnh Tường (phải), Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành, MoMo đối thoại tại diễn đàn

Cuối cùng, cần có sản phẩm vượt trội. Thậm chí, sản phẩm phải “tốt hơn 5 lần, 10 lần, thậm chí 100 lần” giải pháp hiện tại để thay đổi hành vi người dùng, ví dụ như từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán không tiền mặt. Lãnh đạo MoMo khẳng định: “Sản phẩm là tất cả. Bạn cần có sản phẩm tuyệt vời”. Dù thừa nhận MoMo cũng đã đầu tư rất lớn vào giáo dục thị trường, nhưng CEO Nguyễn Mạnh Tường vẫn nhấn mạnh rằng chỉ sản phẩm xuất sắc mới thực sự tạo ra thành công.

Nhiều startup tiêu biểu khác như Sky Mavis, Amanotes… cũng tham gia thảo luận tại diễn đàn. Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, các startup này đã hướng đến thị trường toàn cầu. Tại Amanotes, Founder Bill Võ chia sẻ, việc bắt đầu từ thị trường quốc tế cũng có nhiều lợi điểm cho startup: “Chúng tôi chọn ra mắt tại thị trường Mỹ trước, dù ít công ty Việt Nam làm vậy”. Ông cho biết việc bắt đầu tại thị trường Mỹ - một thị trường rất lớn và cạnh tranh - cho phép công ty đẩy nhanh hoạt động kiểm thử (testing) và đổi mới dựa trên những lần thất bại.

Song dù ở thị trường nào, dữ liệu và việc thấu hiểu thị trường cũng đều quan trọng. Khi ra mắt tại thị trường Mỹ, mục tiêu số 1 của Amanotes là tập trung hoàn thiện sản phẩm thông qua việc cố gắng thấu hiểu người dùng dựa trên dữ liệu. Và khi mở rộng sang thị trường châu Âu, Nhật Bản, hay Trung Quốc, dữ liệu tiếp tục quan trọng, để Amanotes tùy chỉnh ngân sách, tùy chỉnh sản phẩm, cũng như phải tìm một số đối tác địa phương để khiến sản phẩm phù hợp hơn với thị trường này.

Việt Nam trở thành điểm đến chiến lược cho dòng vốn công nghệ và đổi mới sáng tạo: Đâu là chìa khóa thành công cho startup?- Ảnh 3.

Ông Bill Võ, Chủ tịch & Đồng Sáng lập, Amanotes phát biểu tại phiên thảo luận Phát triển doanh nghiệp giai đoạn tăng trưởng

Amanotes cũng đưa ra lời khuyên, rằng để có thể mở rộng thành công cho startup, việc tập trung cho việc thu hút đội ngũ nhân tài cũng quan trọng như việc tập trung vào sản phẩm. “Giai đoạn này, chúng tôi tập trung hơn vào việc tìm kiếm nhân tài. Dù hiện nay, team của chúng tôi vẫn chủ yếu là người Việt Nam, thì chúng tôi cũng muốn thu hút nhân tài quốc tế, cởi mở với việc làm việc từ xa. Nhưng cũng không dễ để thu hút họ, rất thách thức. Về cơ bản, để thu hút nhân tài toàn cầu, cần một vài yếu tố. Quan trọng nhất là sự chia sẻ sứ mệnh, mục tiêu cốt lõi, giá trị cốt lõi. Bên cạnh đó, bản thân tôi cũng đã đi nhiều nước, nói về tầm nhìn, khát vọng của mình để thu hút được nhân tài cho công ty”.

Chia sẻ từ cơ quan nhà nước, đến các nhà đầu tư và startup điển hình đã cung cấp nhiều thông tin, cũng như để lại nhiều bài học quan trọng cho cộng đồng khởi nghiệp. Kỳ vọng trong tương lai, với sự đồng hành của Chính phủ, các quỹ đầu tư, và các doanh nghiệp tiên phong, Việt Nam có thể khơi thông dòng vốn tư nhân vào các lĩnh vực công nghệ chiến lược, góp phần xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, hiệu quả và bền vững, đưa Việt Nam tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình, viết nên câu chuyện đổi mới sáng tạo thành công mới trong thập kỷ tới.