Việt Nam tiến hành các biện pháp bảo đảm tốt việc thụ hưởng các quyền dân sự và chính trị

Admin

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh - Trưởng đoàn công tác của Việt Nam đã có những phát biểu quan trọng trong các phiên làm việc tại Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Genevo (Thụy Sỹ).

Luôn đặt con người ở vị trí trung tâm

Ngày 7/7, tại trụ sở của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Genevo (Thụy Sỹ), Phiên khai mạc và Phiên rà soát đầu tiên đối với Báo cáo quốc gia lần thứ tư của Việt Nam về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) đã diễn ra.

Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh làm Trưởng đoàn, cùng với đại diện của 9 Bộ, ngành liên quan trực tiếp đến việc thực thi Công ước ICCPR, đã tham dự Phiên rà soát này.

Phát biểu tại Phiên khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nêu rõ, với phương châm đặt con người ở vị trí trung tâm, coi đó vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển, Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt, nỗ lực và cam kết mạnh mẽ để thúc đẩy, đảm bảo thực thi một cách tốt nhất quyền con người, quyền công dân, trong đó có các quyền dân sự và chính trị theo Công ước ICCPR.

Việt Nam tiến hành các biện pháp bảo đảm tốt việc thụ hưởng các quyền dân sự và chính trị- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cùng với đại diện của 9 Bộ, ngành liên quan trực tiếp đến việc thực thi Công ước ICCPR.

Các cải cách pháp luật, hành chính và tư pháp cũng như việc thực thi pháp luật của Việt Nam đều lấy người dân là trung tâm, là chủ thể phục vụ, thực hiện các biện pháp bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định pháp luật.

Trưởng đoàn Việt Nam cho biết, ngay sau phiên đối thoại mang tính xây dựng với Ủy ban vào năm 2019, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch quốc gia để triển khai thực hiện Công ước và các khuyến nghị của Ủy ban với mong muốn xác định rõ các khía cạnh cần được cải thiện và thực hiện các hoàn thiện về thể chế và tổ chức thực thi bảo đảm thực chất.

Bên cạnh đó, trong quá trình chuẩn bị cho Phiên đối thoại, Đoàn công tác cũng đã nghiêm túc nghiên cứu các khuyến nghị, câu hỏi do Uỷ ban đặt ra trong Danh mục các vấn đề cũng như nội dung của trên 50 báo cáo đóng góp của các tổ chức, cá nhân khác nhau đã gửi tới Uỷ ban nhân quyền.

"Chúng tôi thấu hiểu rằng, Phiên đối thoại này là cơ hội rất tốt để chúng tôi tiếp thu những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, đồng thời, đây cũng là cơ hội để chúng tôi cung cấp thêm những thông tin nhằm giúp các thành viên Uỷ ban và các tổ chức, cá nhân khác có được bức tranh đầy đủ, chính xác và toàn diện hơn về nỗ lực và những bước phát triển của Việt Nam trong quá trình thực thi Công ước", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh.

Trưởng đoàn Việt Nam đã truyền tải về những bước phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách pháp luật và tư pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa việc ghi nhận, bảo đảm và thực thi các quyền dân sự và chính trị trên thực tế, qua đó đảm bảo và thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị.

Theo đó, về cải cách thể chế, pháp luật, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, kể từ sau khi nộp Báo cáo quốc gia lần thứ tư, Việt Nam đã tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hơn 150 luật, nghị quyết của Quốc hội.

Trong đó có nhiều luật, chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, thúc đẩy quyền dân sự, chính trị như quyền tiếp cận công lý, quyền bình đẳng thông qua các quy định về tăng khả năng, cơ hội tiếp cận nhà ở cho người thu nhập thấp; trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dưới 18 tuổi và nạn nhân của vụ việc mua bán người…

Mới đây nhất, Việt Nam đã thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi với việc thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, theo đó bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh, bao gồm cả tội về vận chuyển trái phép chất ma túy, một số tội phạm tham nhũng.

"Chúng tôi cũng vừa ban hành Nghị quyết số 66 ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, trong đó yêu cầu ngay trong năm 2025 phải hoàn thành việc tháo gỡ điểm nghẽn do quy định pháp luật, trong đó có vấn đề về quyền con người, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho hay.

Nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả phục vụ người dân, cắt giảm chi phí hành chính để dành nguồn lực đầu tư cho phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, Việt Nam đang quyết liệt thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy Nhà nước, thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng cường nguồn lực cho bộ máy chính quyền cấp cơ sở (có vai trò then chốt trong việc thực thi chính sách, pháp luật, trực tiếp giải quyết các nhu cầu, thủ tục của người dân).

Việt Nam cũng đã thực hiện các giải pháp để minh bạch, công khai và hiệu quả trong thực thi các chính sách và pháp luật, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền dân sự, chính trị.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho biết thêm, Việt Nam đã đưa vào hoạt động Cổng pháp luật quốc gia nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nội dung tác động đến quyền dân sự và chính trị của công dân.

TAND Tối cao cũng đã xây dựng Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của tòa án; trang thông tin về án lệ; triển khai xét xử trực tuyến… giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý.

Tiến tới miễn viện phí cho toàn dân

Thứ trưởng cho biết, Việt Nam cũng đã ban hành và thực thi hiệu quả nhiều chính sách trực tiếp thúc đẩy, bảo vệ quyền dân sự và chính trị. 

Chính phủ đã quyết định miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên phạm vi cả nước; hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh ở miền núi, biên giới, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số.

"Chúng tôi cũng đang tích cực xây dựng lộ trình, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến tới miễn viện phí cho toàn dân", Thứ trưởng Bộ Tư pháp thông tin.

Việt Nam tiến hành các biện pháp bảo đảm tốt việc thụ hưởng các quyền dân sự và chính trị- Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh thông tin tại phiên làm việc.

Về chính sách an sinh xã hội, Việt Nam luôn nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội, an toàn, an dân với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau". Về bình đẳng giới, theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2025 của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam giữ vị trí 74/148 quốc gia (tăng 2 bậc so với năm 2024), trong đó các chỉ số về tham gia kinh tế và giáo dục của phụ nữ có những bước tiến bộ hơn.

Việt Nam cũng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường thực hiện công tác phòng chống thiên tai; chú trọng đầu tư hạ tầng, điều kiện đảm bảo để người dân tiếp cận thông tin, tăng cường thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin.

Việt Nam chủ động, tích cực thực thi các chuẩn mực quốc tế về quyền con ngườiGiáo dục quyền con người ở bậc mầm non

Thêm vào đó, Việt Nam cũng luôn coi trọng và sẵn sàng tham gia một cách xây dựng vào đối thoại, hợp tác với các cơ chế về quyền con người. 

Trong năm 2025, Việt Nam đã và sẽ tham gia đối thoại với một số cơ quan theo dõi thực hiện điều ước quốc tế về quyền con người, như Ủy ban Công ước về quyền của người khuyết tật, Ủy ban Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.

Trưởng đoàn Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận, trong quá trình bảo đảm, bảo vệ, thúc đẩy thực thi quyền con người, Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít các khó khăn, thách thức đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau ảnh hưởng tới việc thực hiện Công ước như nguồn lực còn hạn chế; việc thực thi pháp luật trong một số trường hợp còn chưa được hiệu quả như mong đợi; tác động của những vấn đề toàn cầu, an ninh phi truyền thống trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng

Trong bối cảnh Việt Nam đang trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân nhằm hướng đến xây dựng hệ thống pháp luật chất lượng cao, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân, phù hợp với thực tiễn đất nước và chuẩn mực quốc tế, Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, thúc đẩy đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực này.

Đồng thời, Việt Nam sẽ tiến hành các biện pháp đồng bộ để thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn việc thụ hưởng các quyền dân sự và chính trị, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó bao gồm cả nhóm đối tượng dễ bị tổn thương với bước đi, lộ trình phù hợp trong thời gian tới đây.

Trước khi diễn ra Phiên khai mạc và Phiên rà soát, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đã có buổi làm việc xã giao với ngài Changrok SOH - Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền. Tại buổi gặp, Thứ trưởng đã gửi lời cảm ơn tới ngài Chủ tịch, các thành viên của Ủy ban đã quan tâm, thu xếp để Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp quan trọng này.

Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đang tiến hành đồng bộ các giải pháp để thực hiệu thành công các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045. Trọng tâm là thực hiện 04 trụ cột chiến lược: Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế tư nhân; tăng cường hội nhập quốc tế.

Đồng thời, Việt Nam thực hiện nhất quán chủ trương phát triển kinh tế, gắn liền với nâng cao phúc lợi xã hội, lấy con người làm trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là chủ thể phục vụ. Mọi chủ trương, chính sách pháp luật của Việt Nam đều hướng tới người dân, từ đó hiện thực hóa các mục tiêu của Công ước ICCPR.

Về phần mình, ngài Changrok SOH cũng hy vọng Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam và Ủy ban sẽ có Phiên đối thoại mang tính xây dựng, thẳng thắn; từ đó hỗ trợ thêm cho Việt Nam trong tiến trình bảo đảm và bảo vệ các quyền dân sự và chính trị theo Công ước ICCPR.