Việt Nam thiếu 1 triệu tấn than cho nhiệt điện, Trung Quốc lại đang thừa đầy kho, giá gần chạm đáy hai năm qua

Admin

Đợt nắng nóng gay gắt đang diễn ra ở Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu sử dụng điện, nhưng ngành công nghiệp ảm đạm và tồn kho than cao kỷ lục đã khiến giá than giảm thấp trong những tháng qua.

Than đá là nguồn nhiên liệu quan trọng để giải quyết những thách thức mà thế giới hiện đại đang phải đối mặt - cụ thể là sự gia tăng nhanh chóng của việc tiêu thụ điện năng. Than có giá thành rẻ, dễ tiếp cận hơn so với những nhiên liệu hóa thạch khác và trữ lượng được phân bổ đều hơn trên khắp thế giới.

Đợt nắng nóng diễn ra ở Trung Quốc thời gian gần đây đang thúc đẩy nhu cầu sử dụng điện, nhưng ngành công nghiệp trầm lắng và tồn kho than cao kỷ lục đang khiến giá than giảm mạnh.

Theo ghi nhận của các nhà phân tích, hiện chưa thấy dấu hiệu về giá than tăng. Nguyên nhân được cho là sự phục hồi chậm chạp trong nước sau các biện pháp kiềm chế COVID-19 và xuất khẩu thu hẹp làm giảm nhu cầu sử dụng điện từ các nhà sản xuất - vốn chiếm khoảng 2/3 lượng điện sử dụng ở quốc gia số 2 thế giới kinh tế.

Triển vọng sẽ ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu than vì Trung Quốc là nước nhập khẩu than lớn nhất thế giới.

Việt Nam thiếu 1 triệu tấn than cho nhiệt điện, Trung Quốc lại đang thừa đầy kho, giá gần chạm đáy hai năm qua - Ảnh 1.

Diễn biến giá than trong 1 năm qua (Nguồn: Trading Economics)

 Giá than giảm mạnh do lượng than tồn kho trong nước ở Trung Quốc đã đạt mức cao lịch sử khi nhu cầu thấp và nhập khẩu tăng đáng kể.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, sản lượng than thô của Trung Quốc chỉ tăng khiêm tốn 4,8%, trong khi nhập khẩu tăng mạnh 88,8%. Bên ngoài Trung Quốc, giá khí đốt tự nhiên giảm đã góp phần khiến châu Âu chuyển hướng khỏi tiêu thụ than, nhu cầu do đó giảm mạnh so với năm 2021.  

Than nhiệt của Trung Quốc với hàm lượng năng lượng 5.500 kilocalories (kcal) được giao dịch gần mức thấp nhất trong hai năm là khoảng 800 NDT (112,04 USD)/tấn, theo các nguồn tin giao dịch cho biết.

Theo báo cáo của Hiệp hội Nghiên cứu Kinh tế Than Trung Quốc, giá cùng loại từ Australia cũng đã giảm xuống còn khoảng 90 USD/tấn trên cơ sở FOB vào tuần trước, từ mức 100 USD một tuần trước đó.

Dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải và Phân phối Than Trung Quốc (CCTD) cho biết, dự trữ tại các cảng lớn phía bắc đạt kỷ lục hơn 30 triệu tấn vào tuần trước, cao hơn 20 -30% so với giai đoạn 2021-2022.

Tuy nhiên, hàng tồn kho có thể giảm. Dữ liệu từ công ty tư vấn Wind cho thấy mức tiêu thụ than hàng ngày tại các nhà máy điện ở 8 vùng ven biển đã tăng 11% trong tuần trước so với tuần trước lên 2,06 triệu tấn, vượt mức đã thấy trong ba năm trước.

Ông Zhang Yupeng của CCTD cho biết: “Nhu cầu than khó có thể cải thiện rõ rệt trong mùa hè này, đặc biệt nếu tiêu thụ công nghiệp vẫn ở mức ảm đạm”. Đồng thời nhận định nhập khẩu và sản lượng trong nước ngày càng tăng sẽ tiếp tục gây áp lực lên yếu tố giá cả.

Việt Nam thiếu 1 triệu tấn than cho nhiệt điện, Trung Quốc lại đang thừa đầy kho, giá gần chạm đáy hai năm qua - Ảnh 2.

Ảnh munh họa

Trái ngược với Trung Quốc, Việt Nam hiện đang thiếu lượng lớn than phục vụ cho nhiệt điện. Trong thời gian tới, thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài ở miền Bắc, kèm theo điều kiện thủy văn không thuận lợi nên dự kiến các nhà máy nhiệt điện (than, dầu, khí) sẽ huy động rất cao để đảm bảo cung cấp điện.

Cụ thể, tổng sản lượng dự kiến huy động các nhiệt điện sử dụng than antracite của EVN trong hai tháng 6,7 là 12,33 tỉ kWh, tương ứng với nhu cầu than cần sử dụng là 6,03 triệu tấn than.

Tuy nhiên, tổng khối lượng theo hợp đồng đã ký giữa EVN với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc là 4,388 triệu tấn, còn thiếu khoảng 1,642 triệu tấn so với kế hoạch. Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Tổng công ty Phát điện 3) dự kiến chủ động bổ sung được khoảng 600.000 tấn trong tháng 6,7. Như vậy, khối lượng than còn thiếu khoảng 1 triệu tấn cho các nhà máy còn lại của EVN (khoảng 600.000 tấn trong tháng 6 và 400.000 tấn trong tháng 7).

Trước thực tế trên, EVN cũng vừa có văn bản gửi Tổng công ty Đông Bắc yêu cầu công ty này cung cấp đầy đủ, liên tục than cho các nhà máy nhiệt điện để đảm bảo hoạt động sản xuất và cung cấp điện cho năm 2023.

Bên cạnh đó, EVN đề nghị xem xét giải pháp tăng cường khai thác và cung cấp than sản xuất trong nước cho các đơn vị phát điện. Ngoài ra, EVN cũng đề nghị đơn vị này không tăng giá than trong nước bán cho sản xuất điện.