Viêm phổi, giảm thị lực do biến chứng sởi

Admin

Hà NộiAnh Hùng, 35 tuổi, bị viêm phổi, thị lực giảm còn 5/10 sau 5 ngày dùng thuốc hạ sốt, giảm ho chữa bệnh sởi.

Sau 5 ngày bị sởi, ban lặn nhưng ho dai dẳng kèm cảm giác đau tức ngực tăng, sốt trở lại, khó thở, mắt ngứa cộm, nhìn mờ, anh Hùng đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám. Bác sĩ chẩn đoán anh bị suy hô hấp, viêm phổi trên nền bệnh sởi. Hai mắt kết mạc cương tụ sâu, xuất huyết kết mạc, nhiều nhú viêm, giác mạc phù nhẹ.

Bác sĩ chỉ định thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt kết hợp điều trị phục hồi chức năng phổi, thuốc nhỏ mắt cho anh Hùng. Sau 5 ngày, anh hết sốt, vết ban mất dần, tình trạng suy hô hấp được cải thiện, thị lực phục hồi 9/10. Anh xuất viện, tiếp tục điều trị theo phác đồ, hồi phục sức khỏe sau một tuần tái khám.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra, lây lan qua đường hô hấp, thường gặp ở trẻ. Bác sĩ Lã Quý Hương, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nhiều người lớn chủ quan cho rằng sởi không nặng, tự điều trị tại nhà, khiến bệnh biến chứng. Virus sởi có thể tấn công trực tiếp, gây viêm phổi, tổn thương phổi nghiêm trọng, dẫn đến suy hô hấp.

Bác sĩ khám hô hấp cho anh Hùng bị sởi biến chứng viêm phổi. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Bác sĩ khám hô hấp cho anh Hùng bị sởi biến chứng viêm phổi. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Bệnh sởi còn làm giảm hấp thu và tăng tiêu hao vitamin A - dưỡng chất quan trọng cho mắt. Cơ thể thiếu vitamin A gây khô mắt, loét giác mạc. Người bệnh xuất hiện phản ứng viêm biểu hiện toàn thân, viêm kết mạc, viêm giác mạc, xuất huyết kết mạc... ThS.BS Lương Thị Anh Thư, Trung tâm Mắt công nghệ cao Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho hay thói quen che miệng bằng tay trần, sau đó dụi tay lên mắt khiến virus, vi khuẩn lây lan, gây bệnh tại mắt. Các triệu chứng phổ biến gồm chảy nước mắt, lóa mắt, cảm giác ngứa, cộm mắt, có nhiều ghèn đặc...

"Nhiều người bị sởi chỉ tập trung vào các dấu hiệu ngoài da, cho rằng khi phát ban hết là hết bệnh", bác sĩ Hương nói, giải thích ở giai đoạn phục hồi, sau khi vết ban tan dần, hệ miễn dịch còn yếu, dễ bị bội nhiễm vi khuẩn.

Bệnh sởi đang tăng cao cả nước. Bộ Y tế ghi nhận trong ba tháng đầu năm khoảng 40.000 ca nghi sởi, 5 ca tử vong. Dịch sởi hiện xuất hiện trên hầu hết tỉnh, thành phố, tập trung ở miền Nam với 57% tổng số ca, miền Trung 19%, miền Bắc 15%, và Tây Nguyên 9%. Dự báo sởi tiếp tục tăng do vào chu kỳ dịch 5 năm một lần, miễn dịch cộng đồng giảm bởi tỷ lệ tiêm vaccine thấp trong những năm Covid-19 bùng phát, Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống dịch và tăng cường tiêm vaccine.

Các bác sĩ khuyến cáo mọi người hạn chế tiếp xúc với người bệnh sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi. Vệ sinh cơ thể, sát trùng mũi họng thường xuyên để tránh lây nhiễm. Chú ý đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Phương pháp phòng bệnh an toàn và hiệu quả cao là tiêm vaccine. Người bệnh sởi nên uống đủ nước, bổ sung vitamin A. Lưu ý vệ sinh tay sạch sẽ, sát khuẩn tay thường xuyên, hạn chế dùng tay dụi mắt để tránh làm lây các tác nhân gây bệnh sang các vùng khác trên cơ thể hoặc lây bệnh cho người thân.

"Tiêm đầy đủ liều vaccine sởi, hiệu quả phòng bệnh lên đến 98%", bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, nói. Bộ Y tế cho phép tiêm vaccine sởi từ 6 tháng tuổi thay vì đủ 9 tháng tuổi như trước nhằm tăng miễn dịch cho trẻ nhỏ.

Khuê Lâm

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp