Video drone của du khách làm lộ bí mật ở thác nước cao nhất Trung Quốc

Admin

Một video gây sốt của du khách quay bằng drone đã khiến giới chức Công viên Núi Vân Đài lần đầu thừa nhận có tác động nhân tạo vào dòng chảy của thác nước cao nhất Trung Quốc.

Các quan chức tại khu nghỉ dưỡng danh lam thắng cảnh Núi Vân Đài thừa nhận 5/6 rằng họ đã thực hiện một “cải biến nhỏ” đối với thác nước tự nhiên này để cải thiện trải nghiệm ngắm cảnh cho khách du lịch. Ảnh: Penta Springs Limited / Alamy Stock.

Một thác nước nổi tiếng ở Trung Quốc gây chú ý bùng nổ sau khi xuất hiện video viral tiết lộ thác nước hùng vĩ này có thể đã được cung cấp nước qua đường ống nép trong vách đá.

Video lan truyền rộng rãi

Thác nước Vân Đài nằm trong Công viên Núi Vân Đài, một điểm thu hút khách du lịch lớn ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc. Công viên được Bộ Văn hóa và Du lịch nước này xếp hạng AAAAA - mức cao nhất dành cho điểm thu hút khách du lịch.

Nhưng nguồn nước của ngọn thác tiếng tăm, được trang web của công viên mô tả là “giống như dải Ngân hà đổ xuống”, đang bị dân mạng soi kỹ lưỡng. Một video do du khách quay bằng drone đăng trên mạng xã hội Trung Quốc dường như cho thấy một đường ống cung cấp nước cho thác nước cao 314 m này - chứng tỏ nguồn nước của thác có thể không hoàn toàn tự nhiên như du khách vẫn tưởng.

Video nói trên được đăng tải vào ngày 3/6 đã thu hút 73.000 lượt xem, 48.000 lượt chia sẻ và 6.029 bình luận tính đến ngày 5/6.

Video lan truyền cũng nhanh chóng trở thành một trong những chủ đề dẫn đầu xu hướng trên Weibo, có hơn 14 triệu lượt tương tác với hashtag liên quan. Một số cơ quan truyền thông địa phương của Trung Quốc cũng dẫn video này trong bản tin, trong đó có Shanghai Daily.

Ban quản lý Công viên Núi Vân Đài hôm 4/6 đã phản hồi về video, giải thích những thay đổi trong mùa khô đòi hỏi phải tăng thêm lực đẩy cho thác.

Họ cho biết: “(Thác nước) không thể đảm bảo sẽ mang đến cho công chúng cảnh tượng đẹp nhất do sự thay đổi theo mùa…Chúng tôi đã thực hiện một cải biến nhỏ trong mùa khô để đáp ứng các bạn trong điều kiện tốt hơn”.

Ban quản lý công viên không cung cấp thông tin chi tiết về thời điểm các đường ống được xây dựng hoặc tần suất sử dụng. Song, họ bày tỏ lòng biết ơn vì sự quan tâm của mọi người, đồng thời hứa hẹn thác sẽ chào đón du khách vào mùa hè này với “sự hoàn hảo và tự nhiên nhất”.

Theo hãng tin Henan Daily, một quan chức giấu tên tại địa điểm này đã phủ nhận rằng việc can thiệp thêm vào dòng chảy đồng nghĩa với việc nên coi thác nước này là nhân tạo.

“Xét đến việc nhiều du khách đến từ ngoài thị trấn, khu danh lam thắng cảnh đã thiết lập một thiết bị phụ trợ để chuyển nước đến nguồn thác, nhằm nâng cao trải nghiệm của du khách dựa trên cảnh quan thiên nhiên và để đảm bảo Thác Vân Đài vẫn hấp dẫn về mặt thị giác ngay cả trong mùa khô”, quan chức này khẳng định.

Phản ứng đa chiều

Trong khi video gây sốc cho nhiều người ở Trung Quốc, những người khác trên mạng xã hội lại hoan nghênh phản ứng của phía lãnh đạo công viên.

“Dù sao thì nguồn nước thác không phải là thứ mà mọi người đến để xem, tôi không nghĩ điều này bị coi là lừa dối công chúng”, một người dùng Weibo bày tỏ.

Một người khác ví von: “Bạn đến đó để xem một con công đang xòe đuôi chứ không phải để tập trung vào mông của con công”.

Một bình luận trên trang tổng hợp tin tức Trung Quốc Toutiao châm chọc rằng nếu Dubai gắn một ống nước lên đỉnh Burj Khalifa - tòa nhà cao nhất thế giới - thì liệu nó có trở thành thác nước cao nhất thế giới hay không?

Nhiều người khác cũng cố gắng bảo vệ ý tốt của ban quản lý công viên, trong đó có một người nói trên Weibo rằng một thác nước khô cạn sẽ gây ra nhiều bất bình hơn một thác nước được tăng cường dòng chảy.

thac nuoc anh 3

Khách du lịch tại Công viên Địa chất Vân Đài. Ảnh: Penta Springs Limited / Alamy.

Theo website chính thức của công viên, danh thắng tự nhiên này thu hút hơn 7 triệu du khách Trung Quốc và quốc tế mỗi năm, với các thành tạo địa chất gần đó có niên đại hơn một tỷ năm. Vào năm 2019 - tức trước đại dịch Covid-19 - công viên đã đón hơn 11 triệu du khách. Điểm tham quan nổi tiếng này cũng gây chú ý vào năm 2015 sau khi các nhà khai thác lắp đặt cầu đi bộ trên cao bằng kính nhưng nhanh chóng bị đóng cửa do các vết nứt hình thành trong kỳ nghỉ cuối tuần.

Công viên này cũng nằm trong số 213 danh thắng được chứng nhận toàn cầu là Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO - được định nghĩa là cảnh quan được bảo vệ “sử dụng di sản địa chất của mình, kết nối với tất cả khía cạnh khác của di sản văn hóa và thiên nhiên của khu vực, để nâng cao nhận thức và hiểu biết về các vấn đề chính mà xã hội phải đối mặt”.

Hiện UNESCO chưa phản hồi yêu cầu bình luận hôm 5/6 về việc liệu việc tăng cường dòng chảy của thác bằng đường ống có vi phạm các nguyên tắc bảo tồn hay không.

Vân Đài không phải là thác nước đầu tiên ở Trung Quốc cần thêm sự trợ giúp. Khí hậu gió mùa của đất nước này khiến việc giữ nước chảy trong mùa khô trở nên khó khăn hơn khi lượng mưa ít hơn.

Thác nước Hoàng Quả Thụ - thác lớn nhất châu Á - ở tỉnh Quý Châu, phía tây nam Trung Quốc, cũng bị ảnh hưởng trong mùa khô. Năm 2004, một đập nước đã được xây dựng để đảm bảo dòng chảy.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri Thức - Znews đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.