Vì sao nên nuôi cấy phôi tích hợp trí tuệ nhân tạo?

Admin

Vợ chồng tôi hiếm muộn 6 năm, muốn tìm hiểu về điều trị thụ tinh trong ống nghiệm.

Phòng lab nuôi cấy phôi tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) có ưu điểm gì so với thông thường, hiệu quả thế nào? (Quỳnh Thanh, TP HCM)

Trả lời:

Phôi chất lượng tốt là một trong những điều kiện tiên quyết giúp vợ chồng vô sinh hiếm muộn có con. Trước đây, phòng nuôi cấy phôi ở các trung tâm hỗ trợ sinh sản chỉ là nơi chọc hút trứng, thu nhận giao tử, thiết kế thô sơ và thủ công. Phôi chỉ nuôi cấy đến ngày 2 hoặc ngày 3. Để tăng tỷ lệ đậu thai, bác sĩ chuyển nhiều phôi vào lòng tử cung, nhưng cũng làm tăng nguy cơ đa thai, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Hiện nay, phòng lab là nơi chuyên viên phôi học thực hiện những kỹ thuật chuyên sâu hơn, như lọc rửa trứng hoặc tinh trùng, thụ tinh trong ống nghiệm, nuôi cấy phôi, sinh thiết phôi sàng lọc tiền làm tổ. Phòng lab phải đủ tiêu chuẩn sạch (ISO 5, ISO 6), đủ nhiệt độ, độ ẩm đảm bảo giống với tử cung của người mẹ. Các công nghệ hiện đại, môi trường tối ưu giúp nuôi cấy phôi chất lượng tốt. Người bệnh chỉ cần chuyển một phôi vẫn đảm bảo tỷ lệ đậu thai, giảm nguy cơ đa thai.

Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM) có hệ thống phòng "lab-trong-lab" ISO 5 bên trong ISO 6. Giao tử (trứng, tinh trùng) được lấy ra khỏi cơ thể người vợ với chồng, kết hợp và nuôi cấy trong hệ thống tủ time-lapse trang bị camera quan sát liên tục, ổn định cả về nhiệt độ, độ ẩm, hệ thống khí ổn định. Môi trường lab siêu sạch, ngăn chặn tối đa những vi sinh vật hoặc hạt bụi siêu mịn, giúp phôi phát triển liên tục đến ngày 5-6.

Hệ thống phòng lab-trong-lab tại IVF Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Nguyễn Thắng

Hệ thống phòng "lab-trong-lab" tại IVF Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Nguyễn Thắng

Phôi có dạng hình cầu, nếu chuyên viên phôi học quan sát trên hệ thống kính hiển vi bằng mắt thường, chỉ thấy được trực diện ở mặt phẳng cắt ngang, không thể nhìn thấy tổng thể. Hệ thống tủ nuôi cấy tích hợp phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) ghi lại tất cả những mặt cắt mà mắt thường không thể quan sát được và gửi đến hệ thống dữ liệu phân tích. Chuyên viên phôi học dựa vào những thông số, một lần nữa đánh giá lại chính xác chất lượng phôi và tiên lượng tỷ lệ đậu thai. Từ đó, bác sĩ lựa chọn phôi có điểm số cao tương ứng với tỷ lệ khả năng làm tổ cao nhất để ưu tiên chuyển phôi, tăng tỷ lệ thành công. Tủ nuôi cấy thông thường hoặc tủ time-lapse thông thường chỉ đánh giá được hình thái của phôi, không tiên lượng được rõ ràng tỷ lệ làm tổ của phôi.

Nhờ đó, tỷ lệ IVF thành công trung bình tại IVF Tâm Anh TP HCM gần 79%, ở nhóm phụ nữ dưới 35 tuổi gần 85%. Với nhóm phụ nữ trên 40 tuổi thường suy giảm dự trữ buồng trứng, vô sinh hiếm muộn lâu năm, bệnh lý phức tạp, tỷ lệ thành công đạt hơn 48%.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh
Trưởng Lab, Trung tâm IVF Tâm Anh TP HCM

Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp