Vì sao đào tạo nhân lực phục hồi chức năng cần được chú trọng?

Admin

Theo chuyên gia y tế, bác sĩ hay kỹ thuật viên phục hồi chức năng vẫn còn thiếu hụt, để chuyên ngành này phát triển, cần thay đổi nhận thức lãnh đạo, cán bộ ngành y.

Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật

Chia sẻ với Người Đưa Tin về vai trò và tầm quan trọng của việc phục hồi chức năng sau phẫu thuật điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện cũng như sau xuất viện. PGS.TS Trần Trọng Hải – Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam cho biết, phục hồi chức năng trên thế giới đã có từ rất lâu nhưng tại Việt Nam mới xuất hiện khoảng 30 năm.

Vị trí của phục hồi chức năng ngày càng tăng trong hệ thống y tế, đây là giai đoạn thứ 3 của y học gồm: Phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng.

Theo ông Hải, sứ mệnh của phục hồi chức năng là nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người khuyết tật và những người có nhu cầu.

Sức khỏe - Vì sao đào tạo nhân lực phục hồi chức năng cần được chú trọng?

Phục hồi chức năng trên thế giới đã có từ rất lâu.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng từ 10% - 20% dân số bị khuyết tật nhưng tại Việt Nam con số này có thể lên đến 30%. Nếu không được phục hồi thì sẽ mất đi vĩnh viễn sức lao động, tham gia phát triển đất nước.

“Phục hồi chức năng sớm là tiêu chí của Hội phục hồi chức năng Việt Nam, tập trung vào 2 nhiệm vụ chính: 63 tỉnh, thành phố đều có chuyên khoa phục hồi chức năng và phục hồi chức năng xuống tận tuyến xã, hộ gia đình. Đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đến bệnh viện sẽ ở nhà và người nhà sẽ đi học các phương pháp phục hồi chức năng để về tập cho người thân”, ông Hải nói.

Chia sẻ về ý nghĩa của phục hồi chức năng trong việc nâng cao sức khỏe người dân nhất là những người bệnh nặng, TS. Vương Ánh Dương- Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, phục hồi chức năng là công tác vô cùng quan trọng trong hệ thống y tế và là một trong những trụ cột của hệ thống y tế được cung cấp cho người dân.

Trong y tế có phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng. Đây là ba mảng rất quan trọng trong bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

“Phục hồi chức năng là lĩnh vực không thể thiếu được đặc biệt đối với những người bị khuyết tật hay những người có bệnh lý cấp tính, mãn tính ảnh hưởng đến chức năng vận động trong cơ thể. Khi đó, cần các hoạt động, dịch vụ phục hồi chức năng hỗ trợ cho người bệnh, giúp các cơ quan trong cơ thể có thể dần hồi phục lại”, ông Khoa chia sẻ.

Thay đổi nhận thức lãnh đạo, cán bộ ngành y

Chia sẻ thêm về nguồn nhân lực của chuyên ngành phục hồi chức năng, ông Vương Ánh Dương cho biết, trong đề án 569 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2023 về tăng cường công tác phục hồi chức năng đang đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ đạt 0,5 nhân viên phục hồi chức năng/ng dân.

“Tại thời điểm này, chúng ta nói đến các nhân viên y tế chuyên về phục hồi chức năng như bác sĩ phục hồi chức năng hay kỹ thuật viên phục hồi chức năng thì hiện vẫn còn thiếu hụt”, ông Khoa cho hay.

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh các dịch vụ phục hồi chức năng vẫn cung cấp, đáp ứng cơ bản cho người bệnh. Vì có bổ sung thêm lực lượng các nvyt khác có thể tham gia vào công tác phục hồi chức năng như: Điều dưỡng, y sĩ, bác sĩ y học cổ truyền. Do vậy, có thể bù đắp các thiếu hụt về nhân lực.

Sức khỏe - Vì sao đào tạo nhân lực phục hồi chức năng cần được chú trọng? (Hình 2).

PGS.TS Trần Trọng Hải - Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam cho rằng vấn đề đào tạo nhân lực phục hồi chức năng cần được chú trọng.

“Việc phục hồi chức năng không chỉ ở các bệnh viện mà đang thực hiện mạng lưới và dịch vụ phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng”, ông Khoa cho hay.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Trọng Hải - Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam cho rằng để chuyên ngành phục hồi chức năng phát triển, phải thay đổi được nhận thức lãnh đạo, cán bộ ngành y tế;

Chính phủ đã có Nghị quyết 569 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngoài ra, vấn đề đào tạo nhân lực phục hồi chức năng cần được chú trọng, hiện có 3 trường đại học lớn gồm Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Huế, Đại học Y Dược Tp.HCM đều có bộ môn phục hồi chức năng. Ông Hải chia sẻ trong 5 - 10 năm tới, lực lượng này sẽ đóng góp cho sự phát triển của ngành phục hồi chức năng.