Bệnh nhân quê Hà Nam bị hoại tử chỏm xương đùi. Đây là tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng dẫn đến hoại tử xương và sụn, lâu dần làm gãy xương dưới sụn, xẹp chỏm xương đùi, mất chức năng khớp. Nếu không can thiệp kịp thời, người bệnh có nguy cơ tàn phế. Để ngăn ngừa nguy cơ tàn phế, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo.
"Bệnh nhân này đã được thay khớp háng bên phải hơn một năm trước, còn bên trái tiếp tục tăng nặng hơn, cản trở việc tập phục hồi chức năng, mất cân bằng hai chân, cần phải thay nốt bên còn lại", PGS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, nói ngày 17/10.
Các bác sĩ đã thay khớp háng cho bệnh nhân bằng kỹ thuật mổ ít xâm lấn Superpath. Với vết mổ chỉ 3-4 cm (đường mổ rất ngắn), gây tê, giảm đau ngoài màng cứng. Người bệnh trong mổ vẫn tỉnh táo, ít đau, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng. Sau một đến 2 ngày phẫu thuật, bệnh nhân có thể ngồi dậy được, tập đi với sự hỗ trợ của nạng/khung trợ đỡ.
Theo PGS Khánh, thay khớp háng là một trong những bước tiến đột phá của y học. Trước đây, với đường mổ kinh điển, vết mổ dài, bệnh nhân có thể gặp rủi ro như đau đớn hơn, thời gian tập phục hồi chức năng lâu hơn, nguy cơ trật khớp. Nay, với kỹ thuật ít xâm lấn, đường mổ ngắn, không cắt gân cơ, bảo tồn tối đa bao khớp, giúp bệnh nhân vận động được sớm, tránh trật khớp.
Hoại tử chỏm xương đùi tự phát thường gặp nhất ở độ tuổi trung niên, nam thường gặp hơn nữ. Tổn thương có thể ở một hoặc hai bên khớp háng, khoảng 70% trường hợp tổn thương xảy ra ở một bên. Ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể không có triệu chứng. Biểu hiện lâm sàng chính là đau khớp háng bên tổn thương, thường xuất hiện từ từ, tăng dần. Ở giai đoạn muộn thường có giới hạn vận động khớp háng.
Lê Nga