"Vảy nến không chỉ là bệnh ngoài da mà còn là hành trình thách thức về mặt tâm lý, xã hội mà hàng triệu người trên thế giới mắc căn bệnh này đang phải đối mặt", BS.CK2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP HCM, nói tại tọa đàm nhân ngày vảy nến thế giới do bệnh viện tổ chức, ngày 27/10.
Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng hơn 52.000 lượt bệnh nhân khám vảy nến. Đây là bệnh da viêm mạn tính, không lây. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó tới người bệnh thường trầm trọng hơn các bệnh lý mạn tính khác bởi các tổn thương hiện hữu ngay ngoài da. Điều này gây ra những tác động tâm lý nặng nề.
Bệnh nhân không chỉ gánh chịu những tổn thương từ bệnh mà còn đối mặt với không ít sự kỳ thị, thiếu hiểu biết của những người xung quanh. Do đó, người bệnh dễ bị xấu hổ, thiếu tự tin, đánh giá thấp giá trị bản thân, đôi khi cô lập xã hội, bị phân biệt đối xử, giảm cơ hội trong công việc, giao lưu xã hội, khó khăn trong cuộc sống hàng ngày... Thậm chí, nhiều trường hợp nặng có thể gây các vấn đề trầm cảm, ý tưởng tự tử.
Trong khi đó, các vấn đề tâm lý này quay trở lại làm nặng tình trạng bệnh vảy nến, khiến bệnh khó kiểm soát hơn. Điều này tạo thành vòng xoắn, làm cho người bệnh ngày càng suy sụp. Bệnh còn có thể ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe khác, trong đó có yếu tố nguy cơ tim mạch, các rối loạn chuyển hóa kèm theo vảy nến như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, béo phì, xơ vữa động mạch...
Theo Ths.BS Phạm Thị Uyển Nhi, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu, vảy nến chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu điều trị sớm, đúng cách, bệnh nhân vẫn có cuộc sống sinh hoạt gần như người bình thường. Hiện, y học có 4 nhóm phương pháp điều trị, gồm thuốc thoa, chiếu ánh sáng toàn thân, thuốc uống, thuốc sinh học.
Trong đó, thuốc sinh học là phương pháp điều trị mới nhất hiện nay, nhắm trúng đích hơn với độ an toàn và hiệu quả cao. Liệu pháp này giúp bệnh nhân có cuộc sống gần như người bình thường nhưng chi phí cao, sau khi trừ bảo hiểm y tế, người bệnh thường trả hơn 9 triệu đồng một tháng.
"Nhiều người nghe theo các quảng cáo trị dứt điểm vảy nến, tự ý mua sử dụng dẫn đến biến chứng rất nặng nề", bác sĩ Nhi nói. Đa phần các loại thuốc này chứa thành phần kháng viêm như corticosteroid nên khi mới sử dụng da sẽ láng mịn, khiến bệnh nhân tin tưởng và tiếp tục dùng. Đến khi ngưng thuốc, bệnh diễn tiến nặng lên thành đỏ da, toàn thân tróc vảy, có thể kèm mụn mủ, sưng đau các khớp tay chân gây biến dạng, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe.
Do đó, người bệnh cần tuân thủ tái khám, điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ da liễu. Ngoài ra, để kiểm soát tốt bệnh, cần thực hiện chế độ dinh dưỡng ít chất béo bão hòa, tập trung vào các sản phẩm nguyên hạt, rau, trái cây và cá. Tập thể dục thường xuyên để duy trì cân nặng vừa phải nhằm giảm mức độ nặng của vảy nến và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý có liên quan.
Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh vảy nến đến nay vẫn chưa rõ. Các nhà khoa học cho rằng bệnh là kết quả sự tương tác giữa 3 yếu tố môi trường - di truyền - miễn dịch. Các yếu tố môi trường đóng vai trò khởi phát hoặc làm nặng hơn tình trạng vảy nến của người bệnh là stress, tổn thương da, nhiễm trùng, một số loại thuốc, hút thuốc lá, uống rượu bia...
Lê Phương