Văn phòng vắng người, sếp cô đơn

Admin

Khi công ty áp dụng làm việc từ xa, nhiều quản lý đồng tình mức độ trống trải của văn phòng tỷ lệ thuận với sự thiếu đi các giao tiếp cần thiết, ít nhiều tạo cảm giác đơn độc.

Sau 3 năm kể từ đợt phong tỏa đầu tiên trong thời kỳ dịch Covid-19, những lao động làm ở vị trí quản lý tại Vương quốc Anh vẫn chưa cảm thấy hết cô đơn ở văn phòng, theo The Guardian.

Làm việc từ xa kết hợp với giờ làm linh hoạt đang giúp nhiều người sếp cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống cá nhân, song việc thiếu đi các mối quan hệ xã hội ở nơi làm là nhược điểm lớn.

Cô đơn vì nhân viên làm việc từ xa

Trong một cuộc khảo sát với hơn 1.000 nhà quản lý do Viện Quản lý Công chứng (CMI) tại Anh thực hiện vào tháng trước, 52% cho biết tỷ lệ làm việc tại nhà càng cao, mức độ thấy chốn công sở trống trải, buồn chán càng tăng lên.

58% người được hỏi cho biết sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của họ đã được cải thiện trong 3 năm qua; nhưng 44% bày tỏ công việc của họ trở nên căng thẳng hơn, so với 24% cho rằng không.

Co don khi lam sep anh 1

Các quản lý cấp trung thấy thiếu kết nối, cô đơn khi văn phòng luôn vắng người do một lượng nhân viên làm việc từ xa. Ảnh: The Guardian.

Anthony Painter, Giám đốc chính sách của CMI, cho biết những phát hiện này nhấn mạnh thách thức trong việc đảm bảo hình thành các kết nối giữa con người ở công ty, doanh nghiệp.

"Niềm tin và sự gắn kết xã hội là những thứ phải đánh đổi khi để một lực lượng nhân viên làm việc hoàn toàn từ xa. Điều đó có thể giải thích tại sao sự gia tăng căng thẳng và cô đơn xuất hiện nhiều hơn. Về cơ bản, các cấp trên ở công ty cũng là con người và cần đến sự giao tiếp ở nơi làm việc", ông Anthony đánh giá.

Trong khảo sát, 70% người làm sếp cũng đồng tính rằng với số lượng ít nhân viên trong văn phòng, họ tự nhận thấy sự suy giảm trong việc trò chuyện, hỏi thăm với những đồng nghiệp khác trong môi trường đi làm.

Ông Anthony thừa nhận không phải ai cũng thích tụ tập, đi ăn uống sau giờ làm cùng những người chung công ty, nhưng những buổi đi chơi kiểu vậy vẫn cần thiết và có vai trò nhất định.

"Bạn không cần thích đồng nghiệp, song mọi người trong phòng, ban ít nhiều cần thấy có kết nối với nhau. Bất cứ điều gì giúp ích cho điều đó đều quan trọng", ông nhấn mạnh.

Mối quan tâm của các nhà quản lý trong cuộc khảo sát CMI có nhiều nét tương đồng với nghiên cứu gần đây của Giáo sư Nick Bloom và cộng sự từ Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia ở Mỹ. Nghiên cứu cho thấy nhóm cấp trên làm sếp ít hào hứng hơn với cách làm việc kết hợp, so với nhân viên của họ.

Trong một thử nghiệm giữa các nhân viên của công ty du lịch Trip.com có ​​trụ sở tại Thượng Hải, cấp trên ít có khả năng tận dụng cơ hội làm việc tại nhà, so với nhân viên chỉ làm đúng phần nhiệm vụ của mình và không có trách nhiệm quản lý.

Và trong số những người thử làm việc tại nhà 2 ngày/tuần, các quản lý có nhiều khả năng nghỉ việc hơn so với những người đồng cấp của họ làm việc 5 ngày/tuần tại văn phòng. Kết quả này ngược lại với kết quả ở nhóm nhân viên bình thường.

Co don khi lam sep anh 2
Theo báo cáo, những quản lý cấp trung chịu căng thẳng và lo âu nhiều nhất. Ảnh: The Cut.

Nhóm dễ căng thẳng và lo âu

Theo nghiên cứu năm 2022 của Công ty phần mềm Slack Technologies Inc. (Canada), trong tất cả nhân viên văn phòng, quản lý cấp trung là nhóm người dễ có mức độ căng thẳng và lo âu cao nhất.

Trước đó, nghiên cứu trong thời kỳ đại dịch của Future Forum chỉ ra các trưởng phòng, quản lý gặp nhiều vấn đề hơn lãnh đạo cấp cao trong việc duy trì các mối quan hệ tại nơi làm việc. Chỉ một nửa nói họ có thể dựa vào đồng nghiệp của mình.

Những người thuộc thế hệ Millennials (sinh từ 1981 đến 1996) nắm giữ các vị trí kể trên dễ bị áp lực bủa vây. Nghiên cứu của MetLife cho thấy các nhà quản lý trẻ tuổi dễ kiệt sức nghề nghiệp hơn so với người cùng cấp thuộc thế hệ lớn tuổi hơn.

Là "sợi dây" ở giữa, quản lý cấp trung phải đóng vai trò kép, chịu trách nhiệm về những nhân viên dưới quyền trong khi vẫn làm việc với cấp cao hơn.

"Quản lý cấp trung gặp khó khăn trong cách cân bằng công việc và cuộc sống. Họ vừa phải chịu áp lực từ cấp trên, vừa phải giám sát nhân sự do mình điều hành. Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, họ cũng phải nghe nhân viên than phiền về những vấn đề như tiền lương, lạm phát và mức sống", Sheela Subramanian, nhà đồng sáng lập Future Forum (một công ty con của Slack), nói với Bloomberg.

Niềm vui và nỗi buồn của công việc

Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.