Ung thư hạch cổ

Admin

Ung thư hạch cổ là ung thư hạch xảy ra ở vị trí các hạch cổ, là loại bệnh ác tính phổ biến thứ hai xảy ra ở vùng đầu và cổ.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CKI Lê Ngọc Vinh, khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.

Có khoảng 600 hạch bạch huyết phân bố khắp cơ thể. Riêng khu vực đầu và cổ có khoảng 300 hạch.

Ung thư hạch được chia thành hai loại là ung thư hạch Hodgkin và ung thư hạch không Hodgkin. Có khoảng 33% u lympho không Hodgkin được tìm thấy ở vùng đầu và vùng cổ.

Triệu chứng

Triệu chứng phổ biến của ung thư hạch cổ là hạch bạch huyết sưng to dọc theo một bên cổ.

Hạch cổ lành tính

Đường kính nhỏ hơn 1 cm. Hạch di động khi sờ vào mà không dính với mô xung quanh. Bờ viền rõ ràng. Không đau. Cấu trúc mềm và không quá cứng.

Hạch cổ ác tính

Kích thước lớn hơn 1 cm. Dính chặt mô xung quanh. Bờ viền không rõ ràng. Chạm thấy đau. Buồn nôn. Đau đầu. Sụt cân. Đổ mồ hôi đêm. Sốt.
Bác sĩ Vinh tư vấn ung thư hạch cổ cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Vinh tư vấn ung thư hạch cổ cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Phòng ngừa

Hiện chưa có cách ngăn ngừa ung thư hạch cổ, tuy nhiên có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh này bằng cách:

Tránh tiếp xúc với các hóa chất như benzen, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu. Nếu phải làm việc trong môi trường nhiều hóa chất, người lao động nên mặc đồ bảo hộ, tuân thủ quy định an toàn. Người bệnh phải điều trị với các tia xạ cũng cần che chắn các vùng không tiếp xúc với tia xạ. Tăng cường sức khỏe tổng thể để giảm nguy cơ mắc các bệnh, trong đó có ung thư hạch cổ. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, có thể đi bộ hoặc chạy bộ nếu không có thời gian đến phòng tập. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng như thịt nạc, cá, trái cây, rau củ... Hạn chế ăn chất béo, các món nhiều dầu mỡ (chiên, xào). Chế độ sinh hoạt lành mạnh, không thức khuya, ngủ đủ giấc giúp tinh thần thoải mái, từ đó giảm căng thẳng, tránh được nhiều bệnh.

Khi nổi hạch cổ sau hai tuần không bớt, người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa Đầu Mặt Cổ để được kiểm tra, chẩn đoán. Người mắc bệnh tự miễn (lupus, viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh celiac) nên tuân thủ điều trị, tái khám theo hướng dẫn để theo dõi tình trạng sức khỏe và xử lý kịp thời những biến chứng phát sinh.

Người có người thân mắc ung thư hạch cổ nên khám sức khỏe, tầm soát ung thư định kỳ để sớm phát hiện bất thường (nếu có) và điều trị kịp thời.

Nguyễn Trăm

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp