Tỷ lệ trẻ em Việt suy dinh dưỡng thấp còi 'vẫn cao'

Admin

Năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em xuống dưới 15%, song vẫn nhiều trẻ em Việt bị suy dinh dưỡng, cần chiến lược sàng lọc, can thiệp quyết liệt để đạt mục tiêu.

Thông tin được các chuyên gia nêu tại Hội nghị Nhi khoa toàn quốc lần thứ 25, ngày 1/11. Dịp này, Hội Nhi khoa Việt Nam công bố đồng thuận Hướng dẫn sàng lọc, đánh giá và can thiệp dinh dưỡng cho bệnh nhi, nhằm đẩy lùi suy dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe và cải thiện tầm vóc cho trẻ.

Theo số liệu điều tra toàn quốc năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam là 18%, thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi trẻ em dưới 20% - mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn cao ở vùng Trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, khoảng 30%. Suy dinh dưỡng thấp còi ảnh hưởng đến trí tuệ, thể lực và tầm vóc của người Việt Nam.

TS.BS. Phan Hữu Phúc, Tổng thư ký Hội Nhi khoa Việt Nam, cho biết mục tiêu quốc gia đến năm 2030 giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em xuống dưới 15%, song thực tế tỷ lệ này hiện vẫn còn cao, trong khi thời gian đến mục tiêu đang rất gần. Ngoài ra, so với các nước trên thế giới và khu vực, chiều cao của người trưởng thành Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất. Hiện, chiều cao trung bình nam thanh niên là 168,1 cm, còn nữ cao trung bình 156,2 cm.

Chiều cao của người trưởng thành phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề tầm vóc những năm đầu đời. Trẻ suy dinh dưỡng thấp còi ảnh hưởng rất nhiều đến tầm vóc khi trưởng thành. "Vì vậy, cần có những biện pháp can thiệp dinh dưỡng kịp thời cho trẻ, trong đó vai trò sàng lọc, phát hiện sớm nguy cơ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi rất quan trọng", TS Phúc nói.

PGS.TS Trần Minh Điển, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.Hải

PGS.TS Trần Minh Điển, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.Hải

Hiện nay, mỗi bệnh viện có bảng sàng lọc đánh giá về dinh dưỡng khác nhau, chưa thống nhất bộ công cụ sàng lọc và mới chỉ đánh giá chủ yếu tập trung vào suy dinh dưỡng cấp tính. Ngoài ra cũng chưa chú trọng đến nhóm trẻ nguy cơ suy dinh dưỡng.

Từ thực tế này, các chuyên gia từ Bộ Y tế, Hội Nhi khoa Việt Nam, các bệnh viện phối hợp với các đơn vị, xây dựng đồng thuận thống nhất hướng dẫn sàng lọc can thiệp dinh dưỡng cho bệnh nhi, để các bệnh viện có thể thống nhất bộ công cụ sàng lọc.

Trong đó, ba bước để giải quyết vấn đề dinh dưỡng trong bệnh viện gồm: Nhận dạng và chẩn đoán tất cả bệnh nhân có nguy cơ; nhanh chóng tiến hành can thiệp và theo dõi liên tục; xây dựng kế hoạch giáo dục và chăm sóc dinh dưỡng sau xuất viện.

PGS.TS Trần Minh Điển, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cũng cho biết hiện nay 100% trẻ đến điều trị nội trú tại bệnh viện này đã được đánh giá sàng lọc dinh dưỡng và đưa ra can thiệp khoảng đối với 30% trẻ có dấu hiệu về suy dinh dưỡng.

Cụ thể, sau khi trẻ được sàng lọc, các bác sĩ sẽ đưa ra những hướng dẫn cho cha mẹ, can thiệp dinh dưỡng bằng chế độ ăn, thực phẩm dinh dưỡng đường uống phù hợp với từng trẻ, không chỉ ở trẻ suy dinh dưỡng nặng, mà còn ở trẻ nguy cơ.

Hội Nhi khoa Việt Nam công bố đồng thuận Hướng dẫn sàng lọc, đánh giá và can thiệp dinh dưỡng cho bệnh nhi để các bệnh viện áp dụng. Ảnh: T.Hải

Hội Nhi khoa Việt Nam công bố đồng thuận Hướng dẫn sàng lọc, đánh giá và can thiệp dinh dưỡng cho bệnh nhi để các bệnh viện áp dụng. Ảnh: T.Hải

Theo các chuyên gia, một trong những điểm mới về giải quyết suy dinh dưỡng ở trẻ hiện nay là tập trung sàng lọc những nhóm trẻ điều trị trong bệnh viện cả ngoại trú lẫn nội trú. Bên cạnh đó, tập trung đánh giá nhóm trẻ suy dinh dưỡng mãn tính; phát hiện và can thiệp sớm các nguy cơ của suy dưỡng cấp tính, mãn tính và thấp còi ở trẻ em.

Lê Nga