Tưởng cảm cúm hóa nhiễm liên cầu khuẩn

Admin

Hà NộiNữ bệnh nhân 22 tuổi bị sốt cao, đau họng, ho khan, nghĩ bị cảm cúm thông thường, 24 giờ sau khó thở, tụt huyết áp, rối loạn ý thức, do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A.

Ngày 22/4, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn nặng, tiến triển nhanh và đe dọa tính mạng chỉ sau 24 giờ, tiên lượng nặng.

Trước đó, người bệnh xuất hiện triệu chứng giống cảm cúm thông thường, như sốt cao, đau họng, ho khan và mệt mỏi. Sau một ngày, bệnh nhân khó thở tăng dần, tụt huyết áp, tím môi và rối loạn ý thức.

Kết quả kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn nặng, tổn thương phổi lan tỏa, suy đa cơ quan, viêm phổi cấp nguy kịch do liên cầu khuẩn nhóm A. Bệnh nhân phải thở máy xâm nhập, tăng dần liều vận mạch, lọc máu liên tục, sử dụng kháng sinh liều cao.

Trong 5 ngày, bệnh nhân dần thoát sốc, ngừng vận mạch, cải thiện chức năng phổi và tỉnh táo trở lại. Sau hai tuần, bệnh nhân có thể tự thở, trò chuyện, sức khỏe ổn định.

Tưởng cảm cúm thông thường, người phụ nữ nguy kịch, suy đa cơ quan chỉ sau 24h. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tưởng cảm cúm thông thường, người phụ nữ nguy kịch, suy đa cơ quan chỉ sau 24h. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Liên cầu khuẩn nhóm A (Streptococcus pyogenes) là nguyên nhân phổ biến gây viêm họng, nhưng trong một số trường hợp hiếm gặp, vi khuẩn này có thể gây nhiễm trùng huyết, sốc độc tố – dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt, người trẻ tuổi, không có bệnh nền vẫn có thể trở thành nạn nhân của biến chứng nguy hiểm này.

Liên cầu khuẩn nhóm A lây truyền qua đường hô hấp, do tiếp xúc trực tiếp với dịch và chất bài tiết từ mũi, họng của người mắc bệnh. Vi khuẩn có thể lây truyền qua nước bọt trong không khí, thông qua các hành động như ho, hắt hơi, hay thậm chí là qua việc ăn uống chung với người bệnh. Nó cũng có thể lan truyền từ tay nắm cửa, bề mặt và sau đó được đưa vào mũi, miệng, mắt. Vi khuẩn này còn lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, vết loét trên da và các đồ vật có dính vi khuẩn gây bệnh.

Để phòng ngừa, mọi người nên tránh tiếp xúc với những người có triệu chứng bệnh nhiễm liên cầu khuẩn. Giữ cho môi trường xung quanh sạch sẽ, tránh chia sẻ đồ dùng cá nhân như đồ trang điểm, bàn chải đánh răng và khăn lau. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, sau khi ho hắt hơi và trước khi ăn. Sử dụng dung dịch sát khuẩn nếu cần.

Bác sĩ cũng khuyến cáo mọi người không chủ quan với các triệu chứng hô hấp thông thường. Các triệu chứng ban đầu thường không đặc trưng, dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường, bao gồm sốt, ớn lạnh, đau cơ, buồn nôn và nôn. Trong vòng 24 đến 48 giờ, huyết áp bệnh nhân bắt đầu giảm, dẫn đến tình trạng suy đa tạng, nhịp tim và nhịp thở nhanh. Lúc này, cần đưa bệnh nhân vào viện càng sớm càng tốt để điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh, phẫu thuật hoặc truyền dịch.

Thùy An