Nếu đất nền khu ven Tp.HCM như quận 9, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi… đã xuất hiện giao dịch ở sản phẩm giảm giá thì đất nền thổ cư, đất vườn, đất nông nghiệp tại thị trường tỉnh vẫn “lặng sóng” từ thời điểm cuối năm 2022 đến nay. Cùng với đó, đà giảm giá vẫn tiếp diễn. Nhà đầu tư muốn bán thu dòng tiền cũng không tìm được người mua lúc này. Trong số đó, không ít trường hợp ngậm ngùi trả lãi vay hàng tháng, cố gồng tài sản trong tâm thế sốt ruột và lo lắng.
Anh Thịnh, hiện ngụ tại quận 2 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) là một trường hợp như thế. Mua hai mảnh đất vườn tại Đồng Nai vào cuối năm 2021 với giá lần lượt là 2,8 tỉ đồng (gần 3.000m2) và 1,5 tỉ đồng (hơn 1.000m2). Trong đó, có một mảnh anh sử dụng vốn vay 900 triệu đồng ngân hàng. Từng rất kì vọng vào hai mảnh đất này vì theo anh Thịnh, thời điểm anh mua, chỉ sau đó hai tháng, giá đất đã tăng lên gần 500 triệu đồng (cả hai mảnh). Ban đầu xác định “canh thời điểm” để ra hàng, hưởng chênh, lấy dòng tiền tái đầu tư mảnh đất khác. Tuy nhiên, thị trường lao dốc thanh khoản khiến anh khá bất ngờ.
Hiện anh đang rao bán mảnh gần 3.000 m2 với giá 2,5 tỉ đồng/nền nhưng vẫn chưa ai hỏi mua. Cũng theo anh Thịnh, môi giới nhận hàng rao bán cho anh tỏ ra “không mấy mặn mà” vì cho rằng, ra hàng với giá đó ở thời điểm này rất khó giao dịch. Kể từ thời điểm anh gửi cuối tháng 2/2023 đến nay, chưa có ai hỏi mua hay đi xem đất.
“Môi giới nói với tôi rằng, nếu muốn bán nhanh anh phải hạ giá sâu thì may ra có khách hỏi. Còn nếu đang gồng được thì nên giữ lại chờ thêm thị trường. Hiện tại, tôi cũng khá khó khăn tài chính nhưng bản thân cũng không muốn giảm giá sâu mảnh đất”, anh Thịnh ngậm ngùi chia sẻ.
Dù không giảm giá và rao bán như anh Thịnh nhưng nhóm đầu tư anh V, ngụ quận 9 cũng chật vật với dòng tiền mặt. Đầu tư rải rác đất thổ cư và đất vườn tại các tỉnh lân cận Tp.HCM, đến nay thị trường đứng khiến nhóm anh V như “ngồi trên đống lửa”. Dẫu khó tài chính nhưng nhóm anh V xác định có rao bán lúc này cũng không ai hỏi mua. Vì thế, “gồng” có lẽ là từ chính xác mà các nhà đầu tư đang chấp nhận. Giữ tài sản và chờ thêm thị trường với hi vọng bất động sản sẽ trở lại nhịp giao dịch trong năm sau. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những dự đoán cá nhân của các nhà đầu tư.
Thị trường đất vườn từng chứng kiến hoạt động đầu tư mua bán sôi động đầu năm 2021 đến đầu 2022. Khi đó, hoạt động lướt sóng liên tục diễn ra tại khu vực Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch, Định Quán (Đồng Nai) và một số khu vực thuộc Nam Bình Thuận, Bắc Bình Thuận. Phòng công chứng các khu vực này từng hoạt động hết công suất khi hồ sơ chuyển nhượng đất vườn liên tục diễn ra.
Thậm chí, thị trường đất vườn Định Quán (Đồng Nai) từng diễn ra tình trạng tranh nhau mua đất vườn. Môi giới khó khăn để đi tìm nguồn hàng bán lại cho nhà đầu tư khi sức cầu lớn, nguồn hàng bán ra khan hiếm. Còn nhớ, vào giữa năm 2021, một môi giới tại Định Quán từng chia sẻ, có nhà đầu tư Tp.HCM xuống ôm 8 mảnh đất vườn, các môi giới phải vất vả huy động nguồn hàng khắp nơi cho nhà đầu tư. Chưa kể, những mảnh đất có giá từ 350-700 triệu đồng/mảnh nhanh chóng được “lướt sóng” chênh hàng trăm triệu đồng trong vòng 5-10 ngày là chuyện thường xuyên diễn ra tại đây.
Định Quán, Đồng Nai cũng từng là khu vực có lượng môi giới đổ về để làm ăn từ đầu năm 2021. Trong đó, phần lớn là môi giới Tp.HCM khi thị trường khu vực này khan cung, khan cầu. Thế nhưng, đến hiện tại gần như các môi giới đã rút khỏi thị trường này. Tình cảnh nhà đầu tư đất vườn rao chẳng ai hỏi, bán hạ giá cũng không người hỏi mua đang là thực tế diễn ra tại đây.
Một số người trong ngành nhận định, sự nóng sốt của thị trường đất vườn tỉnh lân cận Tp.HCM trước đó đã tạo nên những nhà đầu tư “ăn xổi”. Môi giới cũng đua theo sóng thị trường lúc nóng sốt, hiện không mấy mặn mà với nguồn hàng thứ cấp gửi bán lại.
Sự im ắng giao dịch ở hiện tại là hệ quả của một thời gian thổi và tăng giá chóng mặt. Cùng với đó, những quy định siết chặt tách thửa đất nông nghiệp ở một số tỉnh… đã khiến thị trường im ắng. Hiện các sản phẩm đầu tư, đầu cơ không có giao dịch, khiến nhiều nhà đầu tư gặp khó dòng tiền.